Tên ông đã được đặt từ năm 1956 cho một trong những đường phố chính và sầm uất của Đà Nẵng, dài 1.910m, rộng 8,5m (thời Pháp thuộc có tên là Rue Marc Pourpe), nối từ đường Lê Lợi và đường Phan Đình Phùng đến đường Trưng Nữ Vương.
85 năm trước, ông tạ thế tại Sài Gòn trong khi ước vọng “làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta” (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng) vẫn còn dang dở. Ông là người mở đầu cho phong trào Duy Tân, được xem là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX.
Ông là Phan Châu Trinh (còn được gọi Phan Chu Trinh), chí sĩ yêu nước thời cận đại của Việt Nam; tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, Hy Mã; sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam Phước, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1900 đỗ cử nhân, năm sau đỗ phó bảng, ông được bổ Thừa biện Bộ Lễ. Năm 1905, ông từ quan, đi khắp nơi tìm gặp các nhà trí thức, sang Nhật gặp Phan Bội Châu và quan sát sự canh tân của đất nước mặt trời mọc. Về nước, ông chủ trương đường lối cứu nước theo cải cách, xóa bỏ quân chủ, bãi bỏ lối học cử tử, từ chương, thực hiện dân quyền, mở mang thực nghiệp, làm cho dân giàu nước mạnh.
Ông bị Pháp bắt giam hai lần: Lần đầu giam ở Côn Đảo vì Pháp cho là ông khởi xướng phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Trung Kỳ năm 1908; lần thứ hai giam ở ngục Santé (Pháp) từ tháng 9-1914 vì bị vu cáo làm gián điệp cho Đức. (Ông sang Pháp từ năm 1911, tiếp tục các hoạt động và liên lạc mật thiết với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, lập Hội Người Việt Nam yêu nước tại đây).
Năm 1922, khi vua Khải Định sang dự đấu xảo ở Marseille (Pháp), ông viết Thư thất điều khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể.
Ngày 24-3-1926, ông mất tại Sài Gòn. Cả nước dấy lên phong trào để tang ông, bất chấp sự ngăn cản của Pháp, đánh thức tinh thần yêu nước và dân chủ của người dân lúc bấy giờ. Rất nhiều liễn đối và thơ văn khóc ông, trong số đó có bài điếu văn của Huỳnh Thúc Kháng, người bạn thân thiết của ông, có đoạn như sau:
“Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng”.
Ở Đà Nẵng, tại số nhà 72 trên đường phố mang tên ông có Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, hiện do người cháu ngoại của ông là bà Lê Thị Kinh trông nom. 2 năm trước, nhân ngày giỗ thứ 83 của ông, bức tượng cao 70cm do KTS Tạ Duy Đoán thực hiện theo di ảnh của ông đã được an vị trước Nhà lưu niệm.
LÊ GIA LỘC