.

Lịch sử khắc ghi

.
Hơn 35 năm trước, những người lính trinh sát đặc công làm nên bao chiến công hiển hách, chiến đấu trong điều kiện lấy đêm là ngày và ngày là đêm; nắm rõ mục tiêu bằng cách “tai nghe, tay sờ, mắt thấy” hòng diệt gọn kẻ thù. Mới đó mà đã hơn 50 năm người từ Bắc vào Nam, người ngược núi lên rừng chiến đấu, người dâng xác thân cho Tổ quốc...

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Đình Tham và ông Nguyễn Thanh Thủy: Giờ họ luôn đau đáu với ước nguyện tìm được hài cốt những đồng đội cũ.
 
Những chiến công đầu hiển hách

Năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 2 ra Nghị quyết 15 xác định cách mạng phải chuyển từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị có vũ trang để giải phóng miền Nam. Những cán bộ người miền Nam tập kết ra Bắc đã kinh qua lửa đạn, có phẩm chất chính trị đặc biệt được trở lại chiến trường.

14 người đi đầu ấy giờ chỉ còn lại 5, ai cũng đã bước qua tuổi 80, giọng vẫn sang sảng khi kể về các trận đánh nhưng vẫn không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến các đồng chí người đã ngã xuống khi đánh giặc, người đã thành thiên cổ và không thể chứng kiến ngày gặp mặt của đồng đội sau 50 năm Đại đội Đặc công H29 ra đời.

Ngày tham gia sản xuất, đêm các anh về đồng bằng vận động quần chúng, bắt liên lạc với cơ sở. Những người là lính đặc công của chiến trường Quảng Đà từ vùng địch lên núi tham gia cách mạng là những học trò xuất sắc của 14 cán bộ đặc công đi đầu gây dựng lực lượng, lập nên chiến công hiển hách trên chiến trường Khu 5.

Những người gây dựng nên đơn vị đặc công đầu tiên của chiến trường Quảng Đà cho rằng H29 đặc biệt tinh nhuệ, lấy ít đánh nhiều, vũ khí thô sơ nhưng đánh rất hiệu quả. Mỗi chiến sĩ có thể lái được xe, tàu, giỏi võ, mở được nhiều loại khóa, biết cách vũ trang tài tình và đa mưu, túc trí trong từng trận đánh, phải giữ bí mật tuyệt đối, tự gỡ và cắt dây thép gai, tự rút khi trận đánh kết thúc. Trước mỗi trận đánh phải trinh sát thật kỹ mỗi đồn có mấy lớp rào, vị trí địch cài mìn, vào lô-cốt thì có bao nhiêu nhà...; nắm cho hết thông tin, sau đó lên sa bàn, anh em tập nhuần nhuyễn phương án tác chiến mới đi đánh. Ông Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh: nếu trinh sát thành công thì đánh chắc thắng đến 80%. 

Và chiến công đầu tiên của Đại đội trinh sát Đặc công H29 là diệt tên ác ôn Cao Hữu Ánh, cảnh sát quận Hiệp Đức vào đêm mồng 1 Tết năm 1960. Ông Thủy nhớ lại: “Khi đó chúng tôi cải trang mặc đồ lính ngụy gõ cửa, tên Ánh ra mở cửa hỏi các ông từ đâu đến, chúng tôi bảo ở trên quận xuống rồi ập đến khóa tay, lấy dao đâm vào ngực tên ác ôn. Trước khi vượt sông trở về, chúng tôi để lại tờ cáo trạng chỉ rõ tội ác của giặc”. Ngay sau đó, vào tối mồng 2 Tết, đồng chí Nguyễn Hồng Tư (Tư Thành) giết tên phó ty cảnh sát Đại Lộc... Tiêu diệt ác ôn và nhiều trận đánh khác đã mở ra phong trào “diệt ác phá kèm” sôi nổi khắp nơi ở Quảng Nam làm cho nhiều tên ác ôn khác chùn tay không dám tiếp tục gây nợ máu. Phong trào cách mạng của quần chúng tiến lên một bước, tạo điều kiện cho quân ta mở màn trận đánh tiêu diệt, làm chủ cứ điểm chi khu quận lỵ Hiệp Đức ngày 20-9-1960. Tiếp đến là các chiến công ở làng Trao tiêu diệt đồn Ba banh Na Tép và hàng loạt chốt điểm Aró, Bốt-xít, đồn Rô, đồn Ga Lâu, đồn Phò Nam; giải phóng đường 14 từ Hiên, Giằng đến Hiệp Đức...

Đến tháng 3-1961 vùng núi Tây Bắc Quảng Nam, Tây Đà Nẵng được giải phóng hoàn toàn. Vùng căn cứ địa cách mạng được mở rộng từ Phước Sơn đến Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang.

Tháng 3-1962, ngay sau trận đánh chiến thắng Cầu Đỏ, một tổ đặc công gồm 7 chiến sĩ tiếp tục đánh trận Nam Thành, bắn chết 2 cố vấn quân sự Mỹ, 2 tên khác bị bắt sống và đây là chiến công bắt cố vấn Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Tháng 4-1962 một đội đặc công đánh với hàng tiểu đoàn địch tại vùng cát trắng Điện Ngọc làm nên kỳ tích 7 dũng sĩ Điện Ngọc kiên cường...

H29, đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng được sáp nhập thành Đại đội 2, Tiểu đoàn 489 Đặc công Đà Nẵng năm 1965. Rồi những trận đánh vào sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu, Non Nước, Cẩm Bình... hàng chục trận địa xe tăng thiết giáp, pháo binh Mỹ tan xác dưới sức mạnh phi thường của chiến sĩ đặc công.

Lịch sử lưu danh

H29 đang đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho cá nhân các ông Nguyễn Đình Tham, Nguyễn Xuân Ngọc, Hồ Phúc Ngôn; đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 489 Đặc công Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đình Tham thoát ấp chiến lược ở làng Bích Trâm, xã Điện Hòa, Điện Bàn ra đi lúc mới 16 tuổi, lúc đó ông đang học đệ thất trường Nguyễn Duy Hiệu. Ông là con lớn trong nhà, phía sau còn 5 đứa em, nên nỗi nhớ nhà đeo đẳng giữa lúc tuổi mới lớn, phần vì đói, vì lạnh, nhưng luôn ghi nhớ lời dạy của mẹ “Con còn trẻ, ra đi làm trai phải xứng danh trai, làm thế nào đừng quay về nửa chừng”.

Ông bảo, mình trẻ, lại nhỏ con nhưng tham gia trận mạc như các chú, các anh, dù khi mới lên rừng mấy anh bảo “để nuôi cho lớn đã”, nhưng được tham gia chiến đấu là được nhìn thấy dân, thấy quê hương. Dù năm 1965 đơn vị đánh sân bay Nước Mặn, đóng quân cách nhà ba mẹ có hai cái nhà nhưng ông Tham vẫn không được gặp.

Tháng 5-1968, trong chiến dịch X1 đánh bãi xe tăng của Mỹ ở biển Non Nước, ông cải trang làm thầy tu chùa Linh Ứng Non Nước để làm trinh sát mất 3 tháng. Trận đánh này đơn vị đã diệt được 63 xe tăng của giặc. Năm 1969 ông bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng ông cắn răng chịu đựng, rồi bị đày ra Côn Đảo đến năm 1974. Lúc được trao trả, về lại Trà My, ông bảo lúc đó mừng quá, khí thế như chim sổ lồng, chỉ muốn tiếp tục ra trận. Ông về làm Trưởng ban quân sự đặc công nội thành. Ngày 25-3-1975, ông có mặt ở nội thành Đà Nẵng nắm tình hình, chuẩn bị cho ngày đánh lớn 29 tháng 3 lịch sử.

Với ông Nguyễn Xuân Ngọc, năm 1963 bắt đầu lên rừng, nhưng ông đã là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn từ 1959. “Lúc đó tôi mặc áo bành tô, đi giày gót cao như những năm cải trang, anh em sợ tôi bỏ về nên cho tôi đi học y tá. Nhưng tôi không chịu vì tôi lên rừng để đánh giặc chứ không phải đi học, với lại ba tôi ở lại rừng hoạt động, năm 1954 không đi tập kết, thì không có lý do gì tôi đi học hay bỏ về cả”.

Tháng 2-1975, thành lập Mặt trận 4 đánh giải phóng Đà Nẵng, ông về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 96. Cách ngày giải phóng 2 ngày, trung đoàn đến Hòa Phước thì địch đang tập trung ở chợ Mới 3 xã, chúng bỏ xe lại rất nhiều, anh em liền lấy xe của chúng ra Đà Nẵng. Ông kể, khi chiếm sân bay Đà Nẵng “chỉ tốn vài viên đạn”. Quân ta chiếm hết các nơi quan trọng như sở chỉ huy quân đoàn 1, trung tâm tiếp vụ. Ngày 28-3 quân ta đặt pháo 130 ở Hiệp Đức bắn xuống khiến hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi biển Non Nước không thể đổ bộ, lúc đó xe tăng, máy bay, súng ống của giặc chạy để lại trên bờ biển rất nhiều. Ông cho rằng lực lượng quần chúng và các đơn vị đánh đặc công đã làm tan rã tinh thần quân ngụy, nên việc giải phóng thành phố dễ dàng hơn quá trình hơn 20 năm ta đánh và giành từng tấc đất.

Trong 20 năm qua, các ông Nguyễn Thanh Thủy, Trần Kim Hùng, Nguyễn Đình Tham tiếp tục về lại chiến trường xưa, tìm được hơn 200 mộ liệt sĩ. Rồi các ông tổ chức các chuyến đi, mang hài cốt đồng đội về trao cho gia đình họ ở Bắc. Ông Tham ngậm ngùi: “Hơn 35 năm rồi, vết thương lòng chưa hàn gắn được bởi chúng tôi còn nợ đồng đội, nên có được sức khỏe ngày nào sẽ cố đi tìm anh em đã mất”. 

Ghi chép của Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.