.

Phong thủy trong kiến trúc

.
Phong thủy là thuật bố trí công trình xây dựng, sân vườn và các đồ đạc trong nhà sao cho phù hợp với thiên nhiên, tạo nên cuộc sống hài hòa, làm ăn thuận lợi, tránh tai họa, gìn giữ được sức khỏe cho người ở.

Mô tả ảnh.
Nhiều chủ nhà đã thiết kế non bộ khô dưới chân cầu thang để làm dịu không gian theo phong thủy.
Hiện có nhiều định nghĩa về phong thủy, nhưng định nghĩa của GS.TSKTS Nguyễn Bá Đang, Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Bộ Xây dựng đưa ra trên đây, theo chúng tôi, là đơn giản và dễ hiểu nhất. Cũng theo GS.TSKH Đang, thuật phong thủy còn áp dụng cho việc xây dựng mồ mả để huyệt kết phát, sinh khí vượng phát cho con cháu. Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ chỉ bàn về phong thủy trong kiến trúc.

Nhà ổ chuột... bằng vàng

Phong thủy đơn giản là gió và nước. Đó là hai trong bốn yếu tố lớn (tứ đại) có mặt ở khắp nơi: Đất, nước, gió, lửa, theo quan niệm nhà Phật. Hai yếu tố này rất linh hoạt, luôn chuyển hóa khi tương tác với các yếu tố khác và chi phối nhiều mặt đến đời sống của con người.

Một thời, người ta xem phong thủy như là một cái gì huyền bí, đượm màu mê tín. Thế nhưng, như cách lý giải của KTS Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, phong thủy không phải là cái gì cao siêu, mà chính là những điều gần gũi trong cuộc sống. Ví như thiết kế một ngôi nhà, muốn “có phong thủy” là biết cách đón gió lành và ngăn ngừa gió độc. Thiết kế đúng, giải quyết đúng theo phong thủy thì hứng được gió tốt; thiết kế sai, để cho luồng khí chạy thông thống một mạch từ trước ra nhà sau thì người trong nhà dễ bị trúng gió.

Nói về sự “lợi hại” của gió trong kiến trúc, KTS Huỳnh Tòa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc Miền Trung, đưa ra khái niệm vi khí hậu: Tạo ra một vùng khí hậu nhỏ trong nhà bằng sự trao đổi nhiệt độ, trao đổi khí giữa trong và ngoài nhà, gió từ ngoài vào, từ trong ra sẽ làm ngôi nhà thông thoáng. Miền Trung nắng nóng nhiều. Muốn nhà thông thoáng, ngoài vấn đề thông gió, KTS Huỳnh Tòa khuyên phải để ý đến “giải nhiệt” cho nhà. Nhà càng bịt bùng, nhiệt độ càng cao. Tường nhà phía Tây nên làm mát bằng cây xanh, thả dây leo hoặc xây bằng vật liệu chống nhiệt. Nhà nên có hai mái. Mái bằng tuy có lợi chống bão, nhưng bất lợi trong chống nhiệt.

Thời đô thị hóa, nhà ở có diện tích 5x20m hoặc 5x25m, nhà nọ sát nhà kia. Cái khó về đất đã bó cái hành xử của con người với không gian sống, như mô tả của KTS Hồ Duy Diệm về nhà ổ chuột bằng vàng. Đó là những ngôi nhà sâu như hang chuột, bên trong trang trí nhiều thứ rất đắt tiền, nhưng không phong thủy, tắt điện là tối om, không một chút gió. Người ta ở lỳ trong phòng, ra ngoài là nghe mùi nhà vệ sinh, mùi nhà bếp (vì không có gió). Nhà “có phong thủy” thì tự thân nó đã là một cái máy điều hòa tự nhiên rồi.

Hãy nghe nhà tư vấn

Lý thuyết phong thủy ngày nay đã được vận dụng một cách khoa học hơn, không sa vào những cực đoan mang tính huyền bí, mê tín như trước. Ví như chuyện ngã ba đâm vô nhà, phong thủy bảo xấu, nhưng KTS Trương Kim Minh Châu, Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc – Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cho rằng điều này mang tính khoa học: Đó là vị trí tạo ra xung đột về giao thông gây tâm lý bất an, gió thổi trực diện vào nhà, và điều dễ thấy nhất là nhà ở ngã ba rất dễ... mở đường.

KTS Nguyễn Hoài Cung, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng APAL, đơn cử như việc kê giường ngủ sao cho ngủ được ngon giấc: Giường phải tựa đầu vào tường vững chắc, không gối vào tường có cửa, không có gương chiếu trực tiếp vào mặt người nằm, không được quay ra cửa sổ hay cửa ra vào… Về bếp (hỏa), theo KTS Cung, nguyên tắc chung là không được gần nước (thủy), không được để cho người làm bếp quay lưng ra ngoài…

Các KTS làm nghề tư vấn thiết kế không lạ gì với một số chủ đầu tư, chủ nhà lúc nào cũng ra vẻ “ta đây” theo kiểu “bạo vì tiền”. Họ đem sức mạnh đồng tiền ra giành quyền chi phối công trình, không nghe lời “can gián” của các KTS và về sau đã phải nhận ra sai lầm của mình.

Với những ông chủ kiểu này, theo kinh nghiệm của KTS Huỳnh Tòa, nhà tư vấn thiết kế có hai thái độ. Thứ nhất, không chấp nhận làm, nếu như hoàn toàn ngược lại chuyên môn của KTS. Thứ hai, thuyết phục chủ nhà để hai bên khả dĩ có tiếng nói chung. Với công trình mà xét thấy mức độ đầu tư, lao động chưa đến độ như là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, một sự sáng tạo của mình thì nhà tư vấn chấp nhận làm cho “qua quận” và coi đó chỉ là một sản phẩm công nghiệp thuần túy. Trường hợp chủ đầu tư quá “cứng” thì anh em từ chối thẳng thừng chứ không phải họ muốn gì mình vẽ nấy (để cốt lấy tiền) mà phải giữ lương tâm nghề nghiệp.

Phong thủy, nhiều khi bị chi phối bởi vấn đề tâm lý. Ai đó (có khi chỉ là một ông “thầy” dở dở ương ương) đến thăm nhà, nói một câu vu vơ: Cổng/cửa này rộng/hẹp quá, thu lại/nới ra chút thì tốt biết mấy. Thế là chủ nhà mỗi khi ra vào đều bị cái câu “phán” đó nó buộc, và cuối cùng phải làm theo lời “thầy” để khỏi cảm thấy bất an.

Mô tả ảnh.
PGS.TS.KTS ĐỖ ĐỨC VIÊM, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng: Các trường đại học trong nước đang đưa phong thủy vào giảng dạy ở dạng chuyên đề chứ chưa là một nội dung chính trong giáo trình cụ thể. Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã mời chuyên gia từ TP. Hồ Chí Minh ra giới thiệu một số chuyên đề như: Phong thủy trong kiến trúc, quy hoạch; Quan niệm của phương Đông và phương Tây về kiến trúc... gần đây là Kiến trúc trước vấn đề biến đổi khí hậu.

 

Nhìn chung, phong thủy vẫn còn đang được giảng dạy ở dạng thăm dò. Còn bao giờ được chính thức trở thành một nội dung chính còn phụ thuộc vào vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng vấn đề phong thủy ở mức độ như thế nào và chứng minh được giá trị của nó trong lý thuyết về kiến trúc.

VIÊN PHÚC QUÂN (ghi)

 
VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.