.
Tản văn

Hương thị ngày cũ

Nhà tôi gần một ngôi chùa và suốt những năm học cấp một cấp hai, tôi luôn gắn bó với nơi này. Ngẫm ra thời gian tôi ở chùa còn nhiều hơn cả thời gian ở nhà. Chẳng cứ gì tôi. Hết thảy bọn trẻ của xóm tôi đều như thế cả.

Nhà phố chật chội mà hồi ấy việc mua bán làm ăn mới đến là phất chứ! Bởi đó quán xá, nhà hàng, cửa hiệu, sờ-nách-ba… mọc lên như nấm. Người lớn tất tả với công chuyện làm ăn và phó mặc bọn trẻ cho… chùa. Gia đình tôi có lối sống khá khép kín vậy mà cũng mở một cửa hàng tạp hóa phía trước và cả khu nhà sau làm phòng cho mướn. Thì cũng phải tìm kế để mà sinh sống chứ! Dẫu gì cái cách mà bố mẹ tôi đã chọn cũng ít ảnh hưởng đến nếp nhà. Và, dù gia đình theo Ki-tô giáo nhưng việc tôi ở chùa nhiều, lại khiến cho mọi người thêm yên lòng.

Cửa chùa lúc nào mà chẳng rộng mở và các thầy bên đấy cũng đã quá quen thuộc với lũ chúng tôi. Một cái đám lao nhao. Trai có, gái có và vẫn được gọi chung chung là: “dân xóm Chùa”. Nếu như bọn bạn tôi, đặc biệt là những thằng con trai hay phá nghịch thì lũ con gái lại ra kiểu “yểu điệu thục nữ” hơn. Tôi thích sang chùa vì yêu cái không gian tĩnh lặng ở đây. Thèm mơ mộng khi ngồi bệt trên những bậc tam cấp. Mắt thả mông lung trên những tàn cây um tùm, mái chùa cổ kính, vườn chùa nhiều hoa… và đứng lặng người nơi tháp chuông, thả hồn theo lời kinh kệ. Tôi đã có rất nhiều buổi sáng, trưa, chiều như thế. Không đàn đúm theo bạn bè vào chánh điện, lén lút lấy bánh trái cúng. Không hái hoa, bứt lá, nhổ cây… Không chạy nhảy, leo trèo. Tôi vào chùa và muốn được một mình.

Chùa trồng rất nhiều loại hoa. Tôi rất thích những bông Ngọc Anh trắng muốt dẫu hương quá nhẹ. Nhẹ như thể không hương. Chùa trồng rất nhiều cây thị. Cây già có khi ngang ngửa với tuổi của chùa và hương thị đã cuốn hút tôi, không những chỉ ở những năm tháng thiếu thời mà cả một quãng đời về sau. Hồi nhỏ, bị bố mẹ la, thầy cô quở phạt. Vào chùa và trốn mình trong hương thị bọc vây. Thấy quên và nghe lòng rất nhẹ. Lớn hơn, thất tình cũng có mà thất vọng với đời, với người cũng có. Vào chùa và náu mình trong hương thị. Thấy được xoa dịu, cân bằng. Thấy được ủi an…

Hương thị có hồi lãng đãng. Có khi đậm đặc. Theo mùa, giờ, thời khắc. Theo nắng và theo mưa. Hương thị là thế và tôi cũng thế. Khi này, khi khác. Khi hạnh phúc, sung sướng, thành công… bỗng, quên mất cả quãng đời tuổi thơ hết một thời niên thiếu, mình đã có một ngôi chùa ở sát bên và ngay trong tâm tưởng. Quên mất mình là dân xóm chùa. Nhưng khi lòng nhọc nhoài, chán nản… Khi đời khi người xúc phạm làm tổn thương lại, ưng tìm về chùa.

Và, khi được ủ hồn mình trong hương thị chợt nhận ra nơi tĩnh lặng này, đâu hẳn, chỉ thuộc về… ngày xưa.

Mỹ Nữ
;
.
.
.
.
.