.
Truyện ngắn

Hai người đàn bà

Nhà tôi ở gần con sông Hồng quanh năm phù sa bồi đắp. Từ bé tôi đã chăm theo mẹ ra bãi sông trồng ngô, khoai để được hít vào tận sâu lồng ngực bời bời gió. Tôi nhớ có lần tôi nói với mẹ rằng tôi rất yêu con sông quê mình. Tôi nhận ra trên khuôn mặt u sầu của mẹ chợt biến sắc như thể một nỗi lo sợ rất lớn đang bủa vây tâm trí mẹ. Từ đấy mẹ càng lầm lụi hơn với chiếc bóng của chính mình.

Tôi không có bố. Không hề có một chút hình ảnh gì về bố trong tâm trí non nớt của tôi. Tôi cũng chẳng bao giờ hỏi mẹ về điều ấy cả, như thể cái việc tôi không có bố là lẽ tất nhiên chẳng có gì đáng để thắc mắc. Dù lũ trẻ chăn trâu trong làng đôi khi thua tôi trong một trò chơi nào đó cũng đều lêu lêu bảo “chấp gì cái đồ không có bố”. Tôi thấy không có bố càng nhàn, càng chẳng bị roi vọt khi mải chơi để trâu ăn lúa, cũng không bị bắt đứng úp mặt vào tường mỗi khi bị điểm kém hay làm sai một điều gì đó như lũ bạn.

Nhưng lớn lên tôi tự nhiên rất hay mắc chứng đau đầu. Những cơn đau buốt đến tận tim gan mà không có một loại thuốc gì chữa nổi. Lúc đầu tôi giấu mẹ căn bệnh ấy vì không muốn mẹ buồn hơn. Nhưng khi những cơn đau kéo dài cả ngày trời thì mẹ tôi cũng chẳng thể giúp gì được nữa.

Trong những cơn đau buốt óc ấy, không hiểu sao hình ảnh về một người đàn ông dắt tôi đi trên thảm cỏ bờ đê cứ lặp đi lặp lại, rồi vỡ vụn ra từng mảnh theo mức độ của cơn đau. Mặc dù thế vào những lúc bình thường tôi cũng không thể nhớ nổi hình ảnh ấy có phải là mảng màu ký ức của tôi không. Tôi trách mình tại sao lại có một ký ức rỗng tuếch, trơn tru. Tôi càng không dám hỏi mẹ về hình ảnh ấy vì dần dần tôi có cảm giác rằng nó là hình ảnh của bố tôi. Bởi tôi đủ lớn để hiểu rằng một mình người đàn bà không thể sinh ra một đứa con, tôi không thể sinh ra trên cuộc đời này khi không có bố. Cho dù cả tôi và mẹ có không cần đến bất cứ người đàn ông nào trong gia đình đi nữa.

Dần dà trong mỗi cơn đau tôi lại chạy ra bờ sông đứng cho gió thổi tái tê hết thịt da, đầu óc. Chỉ có như vậy những cơn đau trong đầu mới đỡ dần. Sau những mùa mưa vệ cỏ ven đê xanh tốt ngút xa tầm mắt, một cảm giác mơn man, êm dịu lan tỏa khắp cơ thể khiến tôi muốn có những giấc trưa vội vã. Đã rất nhiều lần tôi trốn mẹ ngủ hoang tận cuối bờ đê, nơi thửa ruộng nhà tôi ngày xưa ngô đã vào mùa thụ phấn. Cảm giác bình yên dẫn dụ tôi vào những giấc mơ đẹp như cổ tích. Tôi, cô bé hai bím tóc đuôi gà, chiếc cổ trắng ngần, đôi má phúng phính hồng hồng thi thoảng lại dụi vào ngực bố.
 
Bố nắm tay tôi chạy dọc bờ đê thả sợi dây diều, tôi cười khúc khích. Bố nói với tôi rất nhiều điều nhưng thường khi tỉnh dậy tôi chẳng còn nhớ chút gì hết cả. Cho đến khi sợi dây diều đứt, gió cuốn nó bay sang phía bên kia sông Hồng cuồn cuộn nước thì bố tôi cũng biến mất. Tôi gọi bố khản cổ, tôi chạy theo tìm cánh diều. Vấp ngã. Rồi tôi tỉnh dậy, khi đó trời đã về chiều. Một cảm giác hụt hẫng đến khó tả khiến tôi buồn. Tôi chẳng bao giờ dám kể với mẹ về những giấc mơ như thế. Nó giống như cuộc hẹn hò vụng trộm với chính ký ức của mình.


Mẹ đã gọi người bán đi mấy bãi đất ngoài bờ sông. Tôi hỏi:
- Nhà mình đã ít ruộng mẹ lại còn bán ruộng làm gì?
Mẹ bảo:
- Đất ấy tưởng màu mỡ lại hóa ra bạc. Năm nào thời tiết thuận lợi thì chẳng sao chứ gặp năm hạn hán hay lũ lụt thì lấy gì mà ăn.
Tôi lủng bủng:
- Thế thì mẹ đổi cho người ta chứ cần gì phải bán.

Mẹ thở dài. Im lặng. Đi lẫn vào bóng tối. Bỏ lại tôi chênh vênh với chính chiếc bóng của mình. Tôi không hiểu sao khi lớn lên con người ta lại phải buồn. Giá cứ như lúc nhỏ buồn vui chỉ là chuyện chòng ghẹo nhau, chuyện thua mấy hòn bi ve, hay bán đồ hàng ế ẩm. Dễ khóc mà cũng dễ cười, chẳng như bây giờ tôi dường như chẳng thể khóc cũng chẳng thể nào cười được nữa.

Tôi càng đâm ra thích ngồi một mình ngoài bờ đê. Tôi ước gì mình có thể bỏ bê mọi thứ chỉ để được nằm thảnh thơi ngủ cả một đêm dài, để bờ cỏ mơn mởn xoa dịu những cơn đau đầu nhức buốt. Nhưng còn mẹ?
Mọi người bảo mẹ tôi là người đàn bà kỳ lạ. Có khuôn mặt đẹp nhưng buồn. Nói thật ngay cả tôi là con mà cũng chẳng hiểu gì về mẹ cả, càng không thể hiểu được nỗi buồn luôn ngự trị trong cuộc đời người đàn bà góa.

Tôi chẳng giống mẹ bất cứ điểm gì trên khuôn mặt. Người ta bảo tôi là đứa con gái lì lợm, ngông cuồng qua đôi lông mày rậm rịt. Tôi chẳng hiểu tướng số thế nào, tôi cũng chẳng thấy mình ngông cuồng hay lì lợm. Có chăng chỉ là cái ý muốn được đi hoang ngoài bờ đê suốt một đêm dài.

Rồi thì mẹ cũng phát hiện ra chiều nào tôi cũng ra ngoài đê nằm ngủ. Mẹ đánh tôi. Thú thật có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng ra mẹ lại có thể giận tôi đến thế. Tôi không đau vì đòn roi ngấm máu nhưng trong tim tôi lúc đó một cái gì buốt nhói, nghèn nghẹn đến nghẹt thở. Phải chăng vì tôi thấy mình bị mất tự do? Phải chăng tôi thấy mình tự nhiên trở nên như một đứa trẻ lên ba cần có đòn roi mới khôn lớn được? Hay tôi thương cái nỗi buồn vẫn ẩn kín trong mắt mẹ mà nó dường như càng ngày càng ngồn ngộn? Tôi khóc. Càng khóc càng thấy buồn, thấy chán. Thấy thương thân mình mà lại thương cho cả thân phận người đàn bà góa.

Từ đấy cơn đau đầu của tôi càng thêm nặng. Mẹ đã mời thầy về nhà châm cứu, thầy bốc thuốc nam. Thậm chí mẹ còn đi cúng bái mà tôi vẫn như điên như dại. Dần dà mẹ mặc kệ tôi tha thẩn ngoài bờ đê trong các buổi chiều. Mỗi lần tôi trở về nhà đều thấy mẹ đứng chờ ngoài cổng, mắt ánh lên niềm vui lạ kỳ rồi lại đổ sập xuống nỗi buồn vời vợi, mênh mang.


Tôi gặp anh trên bờ đê làng khi tôi giật mình tỉnh dậy. Anh ngồi đó nhìn tôi bằng đôi mắt muốn làm quen,
muốn được chuyện trò. Ngay từ phút đầu tiên tôi đã có cảm giác mình gặp người đàn ông đó ở đâu trong quá khứ. Khuôn mặt rất quen, rất gần mà tôi không tài nào nhớ nổi. Từ khi quen anh, ngày nào tôi cũng bị dằn vặt bởi câu hỏi ấy.

Anh bảo anh đến từ phía bên kia sông. Tôi thấy hứng thú bởi những câu chuyện mà anh kể vì với tôi cái thế giới nằm phía bờ bên kia con sông Hồng là hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi cùng nằm bên nhau trên thảm cỏ xanh mềm. Anh hỏi:

- Em có muốn đến thế giới thật xa không?

Tôi im lặng nhưng trong tâm trí lại khấp khởi về một cuộc đi hoang.  Thế rồi cuối cùng cái ước nguyện được bỏ đi hoang một đêm của tôi cũng đã thành hiện thực. Tôi dám chắc rằng đó là một đêm tuyệt đẹp nhất trong cuộc đời mình. Cỏ mềm như nhung, hơi thở anh ấm áp, mùi da thịt anh nồng nồng. Tôi hít căng lồng ngực trẻ.

Đêm ấy bầu trời nhiều sao, sau cuộc đi hoang tôi không làm sao ngủ được. Tôi nằm đấy bên cạnh một người đàn ông vừa gần gũi vừa vô cùng xa lạ. Những cảm giác ấy cứ nhân lên trong lòng tôi một nỗi hoài nghi. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi thấy nhớ mẹ đến thế, như thể tôi đã đi xa bà quá và rất có thể là một chuyến đi kéo dài không hẹn ngày tái ngộ. Cái cảm giác tội lỗi làm nước mắt tôi ứa ra, tim tôi nhói đau. Ngay cả lúc anh lẳng lặng bỏ đi không kịp hôn tôi một nụ hôn từ biệt. Anh nghĩ là tôi đã ngủ say sau phút giây hạnh phúc. Tôi biết là anh sẽ ra đi mãi mãi.

Sáng hôm sau trở về nhà, mẹ ôm chầm lấy tôi, hôn hít lên khuôn mặt tôi, mái tóc rối bù còn dính đầy cỏ dại của tôi. Nước mắt chúng tôi hòa vào nhau. Mẹ bảo “Tội nghiệp con tôi. Sao con lại giẫm lên vết chân của mẹ”. Suốt những đêm sau đó mẹ luôn ở bên cạnh tôi. Tôi bảo:

- Con sẽ có con phải không mẹ?

Mẹ gật đầu. Mẹ bảo mẹ sẽ yêu thương nó. Tôi thấy giữa chúng tôi bây giờ giống như hai người đàn bà bất hạnh đang nương tựa vào nhau.


Mùa này hạn nặng. Đã mấy tháng nay không một giọt mưa nào. Môi tôi khô nẻ, đứa trẻ trong bụng tôi dường như cũng khó ở. Nó đạp liên hồi khiến lòng tôi bực bội không yên. Tôi tìm ra phía bờ sông không còn con đò nào nữa. Cỏ trên bờ đê đã héo úa từ lâu. Chỗ tôi và người đàn ông hôm nào gặp nhau bây giờ trống huơ trống hoác. Người làng gặp tôi hỏi “Con gái hay con trai?”. Tôi buột mồm bảo “con trời”.
Căn bệnh đau đầu của tôi hết hẳn từ cái đêm đi hoang ấy. Đôi lúc tôi thấy kinh tởm mình, kinh tởm cái thứ đàn bà trong chính bản thân mình. Tôi không bao giờ dám thú nhận với mẹ rằng tôi nhớ người đàn ông ấy vì sợ chạm vào nỗi đau của mẹ.

Mỗi đêm tôi đều bị ám ảnh bởi khuôn mặt người đàn ông ấy. Tôi có cảm giác đã gặp anh ở tận trong miền ký ức của mình. Trong những mảnh vỡ hay trên chính khuôn mặt từng kồng kênh tôi trên vai, từng nắm tay tôi chạy dọc triền đê hay biến mất khi đứt sợi dây diều. Và đôi lúc tôi giật mình khi nghĩ rằng liệu anh có phải lại là một giọt máu hoang của cha tôi? Sờ lên bụng mình tôi bỗng thấy một cơn buồn nôn đã chực trào ra khỏi miệng. Tôi thành kẻ ngớ ngẩn, bệnh hoạn mất rồi. Hình như cái ký ức vụn vỡ nó đày đọa tôi thế thôi, nó hành hạ tôi như hành hạ một kẻ yếu bóng vía thế thôi. Chứ ở đời… Mà ở đời thì biết làm sao mà nói trước…

Chỉ có điều rất lạ là từ khi tôi mang thai, mẹ không còn cúi gằm mặt nữa. Mẹ luôn ngẩng cao đầu, đôi lúc tôi còn nhận ra sự kiên định trong đôi mắt của bà. Như thể bà muốn nói với tôi rằng cứ vui lên mà sống. Thú thật mẹ không thể hiểu được nỗi hoang mang trong tôi, nó không phải là sự lo sợ của người đàn bà không chồng mà chửa. Nó lớn hơn thế rất nhiều. Tôi thấy thương tôi sớm vướng vào nỗi đau khổ nhất của cuộc đời.

Sông mùa này cạn. Mẹ bảo tôi đừng ra sông mùa này nữa. Mẹ sợ tôi sang sông tìm người đàn ông ấy. Tôi cười khan, cảm giác như mình sắp tắt thở đến nơi rồi. Làng tôi ngày càng phát triển, những bãi đất ven sông cũng đã được dựng thành hàng quán. Tôi thậm chí sau mấy tháng mang bầu, ra sông không nhận ra chốn cũ.

Mẹ bảo tôi thèm ăn chua thể nào cũng sinh ra con gái. Nhỡ có một ngày nào đó nó hỏi tôi cha nó là ai, tôi biết phải trả lời sao? Đã mấy lần câu hỏi ấy thôi thúc tôi về một ý định mạnh bạo nào đấy. Nhưng đã hơn nửa năm rồi vẫn không có một trận mưa nào. Mẹ thấy sông cạn nên lại nhắc tôi đừng ra sông vào mùa này nữa…

Vũ Thị Huyền Trang
;
.
.
.
.
.