.
TỪ NỖI LO ĐIỆN HẠT NHÂN

Thời của năng lượng xanh

.
Giá dầu nhích dần theo cuộc khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông. Thảm họa điện hạt nhân ở Nhật Bản. Hai sự kiện liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã làm cho các nước châu Âu tính đến việc phát triển năng lượng xanh.

Mô tả ảnh.
Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) làm người châu Âu lo sợ.
 
Vì muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga (từng dẫn đến cuộc khủng hoảng cách đây khoảng 2 năm) và muốn hạn chế sử dụng nhà máy nhiệt điện vì ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia châu Âu đã và đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân như cách thay thế lâu dài và tự chủ.  Nhưng khi Nhật Bản đối phó với cuộc khủng hoảng điện hạt nhân thì cuộc tranh luận về mục tiêu chuyển đổi sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sang điện hạt nhân lại được xới lên.

Ở Đức, đây là vấn đề tranh cãi từ nhiều thập niên qua với kết quả từ những cuộc thăm dò đều cho thấy có đến 70% phản đối phát triển năng lượng hạt nhân. Ước tính có đến 40 nghìn người vừa tạo thành một “dây chuyền người” gần nhà máy điện hạt nhân ở Neckarwestheim gần Stuttgart để phản đối các chính sách của Thủ tướng Merkel về năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Đức Merkel vừa có quyết định gây tranh cãi khi cho phép kéo dài tuổi thọ của 17 nhà máy điện hạt nhân lên mức trung bình 12 năm. Tình thế buộc bà Merkel phải triệu tập cuộc họp nội các khẩn để bàn về vấn đề năng lượng hạt nhân. “Chúng ta biết mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân là như thế nào để chắc chắn rằng không phải đối mặt với thảm họa sau động đất và sóng thần. Chúng ta sẽ học thật kỹ những bài học từ Nhật Bản. Trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có những phân tích cụ thể”, Thủ tướng Merkel nói sau cuộc họp nội các.

Mô tả ảnh.
Dự án Desertec ở Sahara.
 
Chính quyền Anh, Pháp, Rumania và Ba Lan cố gắng thuyết phục người dân rằng sẽ không bao giờ có tai nạn tương tự trên đất nước họ vì lý do địa chất. Thủ tướng Rumania, Donald Tusk cam kết các nhà máy điện hạt nhân của Rumania sẽ được xây dựng nhằm đạt mức an toàn tối đa. “Tai nạn ở Nhật Bản buộc người châu Âu phải suy nghĩ lại, suy nghĩ về mức độ an toàn của ngành điện hạt nhân bởi Nhật Bản là nước có tiêu chuẩn về an toàn thuộc diện cao nhất thế giới”, Henrik Paulitz, một nhà nghiên cứu về phòng chống chiến tranh hạt nhân ở Đức, nói.

Nước Đức với dự án năng lượng xanh lớn nhất thế giới (Dự án Desertec) được đánh giá là giàu tham vọng nhất thế giới. Desertec đặt mục tiêu khai thác nguồn năng lượng mặt Trời và gió ở các sa mạc Trung Đông và Bắc Phi để có thể cung cấp khoảng 15% năng lượng điện cho EU vào năm 2050. Nếu như các dự án về điện hạt nhân bị dân chúng phản ứng thì dự án phát triển năng lượng xanh được ủng hộ tối đa vì không tác động môi trường, không làm biến đối khí hậu.

Có được sự ủng hộ của người dân, nhiều nhà đầu tư cũng có ý định đầu tư vào các dự án này. Theo đánh giá của các nhà phân tích chính trị ở châu Âu, các dự án này sẽ có được sự phát triển thuận lợi vì sau những biến cố chính trị vừa qua là cơ hội để các nước ở Bắc Phi và Trung Đông xây dựng nền dân chủ mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.