.
AFGHANISTAN TRƯỚC SỨC ÉP CỦA IMF

Cải tổ từ “con heo đất”

.
Người dân Afghanistan đang phải lận đận di tản liên tục vì nội chiến và những vụ đánh bom liều chết liên miên. Cuộc sống cơ cực là vậy, nhưng chưa phải là hết, khi mà hệ thống ngân hàng ở Kabul bị gia đình quan chức cấp cao xâu xé đến thê thảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải nhảy vào cuộc vì tương lai của người dân nước này.

Mô tả ảnh.
Điều tra “con heo đất” Ngân hàng Kabul là sức ép của IMF.
Khi em trai và người cháu của một vị Phó Tổng thống muốn xây dựng hệ thống nhiên liệu phục vụ cho vận tải, họ vay 19 triệu USD tại Ngân hàng Kabul. Khi người em của Tổng thống muốn đầu tư vào một nhà máy xi-măng, ông đã vay 2,9  triệu USD. Một quan chức của ngân hàng muốn đầu tư xây dựng căn hộ ở Kabul, đã mượn 18 triệu USD... Tất cả những món nợ này đều không có tài sản thế chấp, lãi suất bằng không hoặc có chiếu lệ và không có ngày đáo hạn hợp đồng vay mượn. Đó chỉ là một trong số những khoản nợ được báo cáo nội bộ ở Ngân hàng trung ương Afghanistan. IMF đã nhận xét rằng các quan chức và gia đình của họ sử dụng Ngân hàng Kabul – tổ chức tài chính lớn nhất nước – chẳng khác nào “con heo đất” của riêng mình.

Tổng số dư nợ của Ngân hàng Kabul là 986 triệu USD. Những khoản vay nợ lớn nhất được giao dịch với Chủ tịch Ngân hàng là Farnood. Bản báo cáo của Ngân hàng trung ương Afghanistan cho thấy đa số những người vay là những cán bộ và cổ đông của ngân hàng này.

Những hợp đồng vay nợ có dấu hiệu gian lận rất rõ khi mà hồ sơ không rõ ràng. Ngân hàng trung ương phát hiện ngân hàng Kabul quản lý theo kiểu: quyển sổ giả nằm ở Kabul, quyển chính nằm ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) do Chủ tịch ngân hàng Farnood nắm giữ. Thậm chí quyển số chính cũng không ghi đầy đủ các giao dịch và có nhiều khoản vay với những cái tên bịa đặt.

Đại diện của Thống đốc Ngân hàng trung ương bác bỏ thông tin giải thể ngân hàng Kabul và chỉ cho biết là đang thảo luận kế hoạch hoạt động tiếp theo. Với nỗ lực rất lớn và hạn chế sự can thiệp của chính phủ, Ngân hàng trung ương đã muộn màng ngăn chặn “lũ lụt của mực đỏ”. Các quan chức ngân hàng đã phải làm việc hết công suất nhằm đạt được thỏa thuận trả nợ từ các khách hàng và cổ đông lớn nhưng không hề dễ dàng. Trong một số trường hợp các khoản vay kinh doanh rất khó thu hồi. Chẳng hạn như 98 triệu USD đổ vào hãng hàng không Pamir không thể thu hồi bằng cách bán những chiếc máy bay già cỗi đang nằm bãi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh rằng đưa ngân hàng Kabul vào diện quản lý tài sản là một trong những điều kiện cải tổ ở Afghanistan nhằm lấy lại niềm tin của người dân. Trước sức ép của IMF kêu gọi cuộc điều tra hình sự thì phía Afghanistan hứa sẽ tiến hành nhiều cuộc điều tra nhằm bảo vệ tiền bạc và tài sản của nhân dân. Rõ ràng nếu không thuận theo ý của IMF thì Afghanistan đứng trước viễn cảnh u tối hơn nữa: Không có sự bảo trợ của IMF, rất nhiều nhà tài trợ sẽ chấm dứt việc đổ tiền vào nước này. Như vậy sẽ đẩy Afghanistan vốn khó khăn sẽ càng khó khăn hơn khi mà cuộc chiến chống Taliban vẫn chưa biết bao giờ chấm dứt.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.