1- Năm ấy Tổng cục Du lịch tổ chức thi nấu ăn. Để tiến tới vòng chung kết theo như kế hoạch đã được thông qua, cuộc thi tại các địa phương do các Sở Du lịch chủ trì sẽ được tiến hành trước. Thời gian ấy tôi công tác tại một khách sạn tiêu chuẩn ba sao.
Với cấp hạng như vậy, không thể không tham gia cuộc thi. Nhưng thi mà không đạt thứ hạng cao thì không chỉ xấu hổ mà còn làm mất uy tín của khách sạn. Tôi không biết tâm trạng của đầu bếp khách sạn ra sao chứ tôi thì khá lo, cứ như mình là thí sinh. Trên đầu đã hai thứ tóc, lại sợ bị thi trượt, cả ngày đầu óc cứ lẩn quẩn chuyện thi. Mình kém thông minh, lại chậm nghĩ, nên làm việc gì cũng gian nan hơn người khác! Hàng trăm món ăn hiện lên trong đầu, nhưng cái đầu không chấp nhận. Ngày này qua ngày khác vào các nhà hàng, gọi một món gì đấy rồi chăm chăm vào tờ thực đơn của họ mong “đánh cắp” một món lạ nào đấy!..
. “Hội thi nấu món ăn dân tộc” - đầu đề cuộc thi đã chỉ rõ phải là món ăn Việt Nam. Nhưng Việt Nam dài dằng dặc, nhưng Việt Nam trên dưới sáu mươi dân tộc. Một khi nghĩ được đến đấy, bài toán đã có lời gợi ý. Một đầu bếp ở Đà Nẵng, một khách sạn ở Đà Nẵng dứt khoát phải chọn một món ăn tiêu biểu xứ Quảng, mang những đặc điểm xứ Quảng. Nhưng mì Quảng, nhưng cao lầu, “quảng” thì có “quảng” đấy, lại khó lòng đáp ứng sự kỳ vọng của cuộc thi. Tôi và ông đầu bếp trao đổi cả chiều, hai anh em vẫn chưa thể đi đến quyết định. Một tiêu chí được hai anh em thống nhất là món dự thi nhất thiết không “đụng hàng”, nó phải là chỉ mình nó, một mình một ngôi vị…
Thế rồi tình cờ, một nữ nhân viên xinh xinh của khách sạn đi ngang qua. Cô bé nở một nụ cười tươi tắn, tặng một chùm lòn bon, ngân nga câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “...Anh đưa em đi ăn trái lòn bon, ăn hoài mệt nghỉ...”. Vị lòn bon ngọt ngọt chua chua trong miệng... ngọt ngọt chua chua... Trời ạ, cái vị ngọt vị chua này mà làm món gỏi khai vị thì không gì bằng!
Thế là những chùm lòn bon đầu mùa tới tấp được mua về. Thế là ông đầu bếp tài hoa kinh nghiệm đầy mình nổi danh của Đà Nẵng lụi hụi bóc vỏ, tách hột, vắt lấy nước cốt, pha chế nước dùng, nêm nếm điều hòa vị chua vị ngọt vị cay vị mặn. Vốn tính cẩn thận, lại đang sáng chế món mới, lại phải giữ bí mật, ông đầu bếp thân mến của tôi tự tay làm lấy mọi thứ. Nhìn ông đầu bếp đeo kính lão còng lưng trên những trái lòn bon, tôi thấy thương chi lạ!...
2- Ngày thi. Ban giám khảo gồm năm vị, đặc biệt có mặt thầy Mai Khôi, nguyên Hiệu trưởng Trường Du lịch Hà Nội và là cây bút chuyên về ẩm thực khá nổi tiếng. Số báo danh xướng lên. Một giọng nữ thiết tha “… Anh đưa em đi ăn trái lòn bon…” vang lên từ hai chiếc loa thùng. Một thiếu nữ áo dài tha thướt bưng chiếc khay có năm ly rượu hồng đào sóng sánh. Một nam thanh niên bưng chiếc khay trên đặt một trái bí ngô đã được chạm trổ hình hoa lá, bên trong là món gỏi lòn bon chưa ai từng biết. “Gỏi lòn bon” khai vị cùng rượu hồng đào, mới nghe tên món gỏi đã nghĩ ngay tới xứ Quảng. Và rồi cả năm vị giám khảo đều gật gù khi nếm thử. Đám đông khán giả nhích dần về phía quả bí ngô. Và rồi… món gỏi hết ngay lập tức!
Ông đầu bếp của chúng tôi đoạt huy chương vàng với điểm số tối đa của cả hội đồng giám khảo. Khi Tổng cục Du lịch tiếp phái đoàn các doanh nghiệp du lịch Mỹ sang thăm, chúng tôi được yêu cầu ra Hà Nội làm món gỏi lòn bon. Nhưng thật tiếc, thời điểm đó… hết mùa lòn bon!
Hoàng