.
Bếp Việt

Vẫn còn vương tơ...

1- Có thể nói người Việt khai thác cái ăn giỏi vào loại nhất nhì thiên hạ. Không cái gì có thể ăn mà người Việt không đưa vào mâm cơm của mình. Trồng dâu nuôi tằm đã đành để cho ra đời những tấm lụa lừng danh.
 
Nhưng sau đó, người Việt không những không chịu lãng phí mà còn biết tận dụng thứ tưởng chừng bỏ đi để làm nên một món ăn chiếm vị trí trang trọng trong mâm cơm của mình. Không một người Việt nào đã không một lần thưởng thức món nhộng vàng ươm. Những người “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, luôn chân luôn tay cả ngày cả đêm lại càng thế. Vất vả đấy, nhưng bù lại “Làm ruộng ba năm không bằng nuôi tằm một lứa”. Cực nhọc đấy, nhưng bẻ miếng bánh tráng xúc những con nhộng xào béo ngậy là niềm vui không phải ai cũng có. Người ta bảo con gái hai bên bờ sông thường đẹp nhờ nước. Người ta nói con gái hai bờ sông đẹp còn nhờ những nương dâu, nong tằm…
 
2- Thỉnh thoảng thèm nhộng tằm, nhưng ra chợ thấy người ta ngâm nhộng trong nước, lại không muốn mua, lại chán cái sự buôn bán ngày một thiếu trung thực. Lâu lâu lại nghe có người bị ngộ độc khi ăn nhộng làm mình thêm ngại ngần. Vậy nên khi cô cháu ở Duy Xuyên ra biếu một mớ nhộng, có cảm giác như mớ nhộng tươi rói ấy là một thứ nhớ, thứ thương, thứ mong, thứ chờ, thứ đợi! Những con nhộng mẩy mình, vàng ươm hấp dẫn tới mức muốn bật bếp làm ngay món này món nọ.
 
Thì bật bếp bắc chảo… Ngày nay người ta sáng tạo ra nhiều món ăn từ nhộng - căn bản vẫn là xào, nhưng phối hợp với các loại rau khác nhau, như nhộng xào tỏi tây, nhộng xào ớt chuông, nhộng xào hẹ… Tuy nhiên đơn giản nhất, theo truyền thống xa xưa, không gì ngon và đúng bằng nhộng xào rau răm. Tại sao ăn mà lại nói là đúng? Xin thưa, nhộng giàu đạm, giàu canxi, giàu vitamin các loại, giá trị dinh dưỡng cao gấp hai lần thịt, gấp bốn lần trứng, gấp mười lần sữa, rất tốt cho đàn ông. Vậy nên tương tự một số trường hợp khác, như hột vịt lộn chẳng hạn, phải dùng rau răm để điều tiết, đề phòng quý ông “vui” quá đà! (Chị em nào nghi ngờ, xin cứ vài ba bữa xào cho đức lang quân của mình một đĩa nhộng - mất gì mà không thử nhỉ?). Nhộng tươi xào rau răm rồi xúc bánh tráng nướng, dân giã nhưng béo nhưng bùi trong từng miếng ăn, quê mùa nhưng mỗi lần ăn là mỗi lần nhớ, mỗi lần thương…
 
Bên cạnh mì Quảng, hình như nhộng xúc bánh tráng cũng đặc sệt hương vị Quảng, cũng khiến người ta không thể bỏ qua khi thống kê gia tài ẩm thực Quảng!


Hoàng

;
.
.
.
.
.