Những hồi ức chảy dài theo năm tháng, lưu dấu trên khuôn mặt của 24 người, từng là những thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, lái tàu, nhân viên... trên những “chuyến tàu không số”. Họ đã vượt qua những trận chiến đấu ác liệt với quân thù, với phong ba trên biển cả và với sự nghiệt ngã của thời gian.
Phút giây xúc động ngày gặp lại. |
Cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm nửa thế kỷ ra đời đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại này như chợt lắng đi khi bài hát “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” được cất lên: Sóng xóa đi dấu vết. Biển vẫn con đường mòn. Những con thuyền bé nhỏ. Chạy đua với mặt trời...
Ông ngồi phía trên với đồng đội cũ, còn bà-lặng lẽ với chiếc áo dài nền nếp ngồi tít sau cùng. Cả ông và bà đều háo hức dõi theo đứa con trai đang đứng hát trên sân khấu cùng đồng đội-đứa con trai được sinh ra và lớn lên cùng những thăng trầm của “chuyến tàu không số”, bây giờ đang nối nghiệp cha trong sắc màu quân phục Hải quân. Đó là gia đình ông Hồ Thăng Nhuận - Nguyễn Thị Diễn và Thiếu tá Hải quân Hồ Thăng Long.
Câu chuyện chắp nối bên ngoài hành lang, trong ký ức nhớ quên của nửa thế kỷ qua trong cuộc đời họ, hiện lên là những năm tháng hào hùng trong cuộc chiến đấu chung cùng đồng đội, nhưng cũng là quãng thời gian có những khi nuốt đắng đót vào lòng. “Khi tôi sinh thằng Long vào năm 1968, cũng là lúc không còn nhận được tin tức gì về ông nhà nữa. Cả trăm bức điện đánh đi chẳng ai trả lời. Tôi đã nấu cơm cúng, lập bàn thờ, nuốt đắng cay vào lòng mà tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ, phải nuôi dạy con nên người” - Người đàn bà quê Thái Thụy, Thái Bình nhớ lại những phút giây đau đớn của đời mình khi gắn duyên phận với người chồng đang làm nhiệm vụ trên “tàu không số”.
Bởi vì đó là nhiệm vụ tuyệt mật của lực lượng vận tải trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam những ngày ác liệt nhất. Đời đi biển đã lênh đênh theo phận “hồn treo cột buồm”, thì những người làm nhiệm vụ trên “tàu không số” ở Lữ đoàn 125 ngày ấy đã nguyện trong lòng, đi thì đi, nhưng chẳng hẹn ngày về. Ông Hồ Thăng Nhuận cười mà không dám nhìn người bạn đời: “Lúc đó, khi làm người lính trên những chuyến tàu ấy, chúng tôi chỉ nhìn trong phạm vi sống chết cùng nhiệm vụ, không nghĩ một chút chi về gia đình. “Đặt con vào dạ thì mạ phải lo” - hàng đã xuống tàu, mỗi người đều phải có một cái lo, làm sao để cùng nhau đưa hàng đến địa điểm tập kết an toàn và tuyệt đối bí mật, phải xóa mọi dấu vết để bảo đảm giữ vững tuyến đường cho từng chuyến đi sau”.
Dồn tâm huyết vào việc lớn, người con trai vùng biển Đà Nẵng ấy đã vẫy vùng cùng biển khơi, vượt qua bao hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tham gia trong suốt quãng thời gian 8 năm-ngay từ những ngày đầu thành lập “Đoàn tàu không số” anh hùng, đến năm 1968, ông Hồ Thăng Nhuận đã gắn bó cùng 8 chuyến tàu vận chuyển vũ khí, hàng hóa, con người... chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. “Tôi tự hào vì cha tôi đã tham gia vào đội quân đặc biệt ấy. Chính bản chất ngời sáng của người lính Hải quân, luôn phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của cha là nguồn động viên để tôi tham gia vào lực lượng Hải quân, tiếp tục truyền thống quý báu của gia đình mình”-Thiếu tá Hồ Thăng Long-người được mệnh danh là “con chim sơn ca của biển” tâm sự.
Gia đình cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận luôn tự hào về truyền thống người lính Hải quân. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Truyền thống đó luôn được hun đúc trong anh mỗi ngày, không chỉ vì cả nhà anh - từ người cha đến con trai, con rể đều phục vụ trong lực lượng Hải quân, mà là anh được lớn lên cùng những câu chuyện về người lính Hải quân đặc biệt của “Đoàn tàu không số” huyền thoại, mỗi khi cha anh cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm của những ngày tháng hào hùng. Trong anh dường như đã thấm đẫm những ký ức về những năm tháng không thể nào quên của những cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” qua những câu chuyện chảy tràn không dứt trong mỗi cuộc gặp mặt ôn lại truyền thống-giống như buổi gặp mặt hôm nay nhân kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ra đời con đường huyền thoại: “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Thay mặt cho đồng đội, cựu chiến binh Vũ Tấn Ích đã ôn lại những phút giây lịch sử của 14 năm tồn tại con đường huyền thoại này. Huyền thoại-bởi trên con đường ấy, những người lính chỉ với phương tiện thô sơ đã chống chọi với biết bao hiểm nguy từ phía kẻ thù và từ cả sự khắc nghiệt của thiên nhiên để băng mình ra tiền tuyến. Huyền thoại, bởi chỉ trong 14 năm ấy, bằng quyết tâm sắt đá, bằng lời thề thủy chung “Vì miền Nam ruột thịt”, từ 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu đưa từ miền Nam ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, toàn lực lượng với sự lớn mạnh mỗi ngày, đã hoàn thành gần 2 nghìn chuyến đi với tổng cộng hải trình trên 4 triệu hải lý để vận chuyển 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, từ đó kịp thời chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến công trọn vẹn của dân tộc vào mùa xuân lịch sử 1975. “Chúng tôi đi ngày ấy có được trang bị gì nhiều đâu.
Những con tàu vượt biển buổi đầu ra đi còn quá đơn giản về phương tiện trang bị. Mỗi thứ chỉ có 1 cái: la bàn lái, tờ hải đồ tỷ lệ nhỏ, thước gỗ song song, máy thông tin liên lạc, chiếc đồng hồ đo vận tốc và ống nhòm cho người chỉ huy. Không phải Đoàn không biết về nguyên tắc, điều kiện bảo đảm đối với con tàu vượt biển, nhưng nguyên tắc bí mật việc giao dịch mua sắm để trang bị cho con tàu bị hạn chế nên phải ra đi với những phương tiện, trang thiết bị thô sơ như thế. Nhưng cùng với đó, chúng tôi còn ra đi với một thứ nữa: Đó là ý chí sắt đá đã hun đúc thành truyền thống “Mưu trí dũng cảm, khắc phục khó khăn, vận tải đường biển, chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng”. Chính ý chí sắt đá đó đã cho chúng tôi niềm tin, nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ tuyệt mật trong điều kiện khó khăn, gian khổ và đầy hy sinh, mất mát này”-Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích tự hào nhớ lại.
Và trong dòng ký ức ấy, vẫn hằn lên con đường mòn trên biển, dù sóng thời gian có xóa đi ít nhiều những dấu vết. Con đường ấy, vẫn mãi hiện lên, không chỉ trong thế hệ của ông, mà trong những lớp cháu con đang viết tiếp trang sử hào hùng của lực lượng Hải quân Việt Nam-hôm nay và mai sau...
Ghi chép của Nguyễn Thành-Việt Dũng