Ngày 7-1-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng Huân chương Hữu nghị và Quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho một người Hy Lạp tên là Costas Sarantidis. Người Hy Lạp này nguyên là lính lê dương trong một đơn vị quân Pháp xâm lược nước ta vào đầu năm 1946.
Costas Nguyễn Văn Lập (thứ ba, trái sang) và CCB Trung đoàn 803 giao lưu và tặng quà cho Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. |
Costas Sarantidis lớn lên trong cảnh đất nước Hy Lạp bị phát- xít Đức chiếm đóng. Năm 1943, Costas Sarantidis 16 tuổi, bị bắt sang Đức làm lao động khổ sai, sớm chiều lao động quần quật dưới sự quản lý bằng đòn roi, lưỡi lê, báng súng của bọn thống trị. Căm thù chồng chất, năm 1945, Costas Sarantidis trốn sang gia nhập quân đội Pháp để chống lại chủ nghĩa phát xít. Chưa được một năm, đơn vị của anh đã bị đưa sang xâm lược Việt Nam, theo “sứ mệnh” “giải giáp quân đội Nhật”, “tái lập chế độ bảo hộ của Mẫu quốc Đại Pháp trên xứ An Nam…”.
Đến Sài Gòn, tháng 2-1946, chàng thanh niên Hy Lạp đã tận mắt nhìn thấy sự dã man của quân Pháp với những xóm làng, vườn cây, đồng lúa bị đốt phá, những người già, phụ nữ, trẻ em bị tàn sát, những kiểu cướp bóc, tra tấn, hành hình thời trung cổ… Thực tế ấy tác động mạnh mẽ vào ý thức của Costas Sarantidis. Từ đó, anh đã tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh và đến tháng 6-1946, anh đã trốn sang hàng ngũ của quân đội ta. Kể từ đây, anh được đổi tên là Nguyễn Văn Lập, thường gọi kép là Costas Nguyễn Văn Lập và trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 803 Liên khu 5.
Hồi đó, nhiều binh sĩ Pháp thuộc các quốc tịch khác nhau cũng đã chạy sang tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của ta được gọi là người Việt Nam mới. Họ thường giúp bộ đội ta về công tác huấn luyện, đào tạo, cho đến năm 1950, khi biên giới Việt-Trung được khai thông thì họ lần lượt trở về nước.
Costas Nguyễn Văn Lập (thứ ba, trái sang) trong buổi giao lưu tại Đoàn Bình Long (Quân khu 4). |
Costas Nguyễn Văn Lập đã tình nguyện ở đơn vị chiến đấu, hòa mình cùng đồng đội trong mọi khó khăn, gian khổ và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Anh là xạ thủ súng trọng liên của Đại đội hỏa lực Đặng Liêm thuộc Tiểu đoàn 39. Vừa khỏe, vừa giỏi kỹ thuật, chiến thuật, anh đã tiêu diệt hàng chục tên lính Âu-Phi, góp phần bẻ gãy trận càn của địch tại Hương An-Bà Rén (Quảng Nam) vào tháng 4-1948. Trong một trận khác, chỉ với 21 viên đạn, anh đã bắn rơi chiếc máy bay Morane của giặc Pháp.
Costas Nguyễn Văn Lập thông thạo ba thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý và đã dùng các ngôn ngữ này phục vụ đắc lực công tác binh vận. Đêm đêm, anh cùng du kích luồn vào gần đồn giặc, bắc loa phóng thanh kêu gọi lính địch bỏ ngũ và đã giác ngộ được nhiều binh sĩ lê dương. Có lần, anh vận động được cả một bốt lính Angiêri mang theo đầy đủ vũ khí, trang bị chạy sang ta. Anh đã nhiều lần làm phiên dịch để khai thác và dẫn giải tù, hàng binh Pháp, hai lần đưa hàng binh từ Liên khu 5 theo đường Trường Sơn ra miền Bắc. Đến nay, nhiều CCB Trung đoàn 803 vẫn còn nhớ rõ sự dũng cảm của Costas Nguyễn Văn Lập trong các trận đánh Pháp trên chiến trường Liên khu 5, trận nào anh cũng được giữ trọng liên hoặc trung liên và bắn chính xác, gây cho địch nhiều tổn thất.
Năm 1949, Costas Nguyễn Văn Lập đã được kết nạp Đảng tại Tiểu đoàn 365 đang hoạt động ở tỉnh Phú Yên. Sau đó, anh được cử đi học lớp cán bộ sơ cấp và là chiến sĩ nước ngoài duy nhất được ta chọn đào tạo cán bộ. Trong những năm 1952-1954, anh được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao làm Tổng giám thị Trại tù binh ở Quảng Ngãi. Trên cương vị này, anh ra sức tuyên truyền chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, làm cho mấy trăm tù binh nhận thấy cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và có cảm tình với cách mạng Việt Nam.
Cuối năm 1954, Costas Nguyễn Văn Lập theo đơn vị tập kết ra Bắc, công tác tại Sân bay Gia Lâm với chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Cung tiêu-Vận tải và rất tích cực trong các hoạt động chống địch cưỡng ép di cư, cứu đói, cứu trợ, cải cách ruộng đất. Anh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phiên dịch cho Đoàn chuyên gia Đức trong thời gian Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức giúp ta xây dựng Nhà máy in Tiến Bộ và cũng đã thể hiện được tài năng trong một số bộ phim của Xưởng phim truyện Việt Nam. Năm 1957, anh kết hôn với một cô gái người Hà Nội, sau đó làm lái xe ở mỏ thiếc (Cao Bằng) và mỏ than (Lạng Sơn).
Đến năm 1965, Costas Nguyễn Văn Lập được Nhà nước ta cho hồi hương về Hy Lạp (cùng với vợ con). Từ đó đến nay, người chiến sĩ quốc tế này luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và đã hướng về Việt Nam với nhiều việc làm thiết thực. Anh đã gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt vận động thành lập Hội Kiều bào yêu nước tại Hy Lạp, tháp tùng Tổng thống Hy Lạp thăm Việt Nam và tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hy Lạp.
Gần 50 năm qua, Costas Nguyễn Văn Lập sinh sống bằng nghề lái xe và tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Anh đã vận động kiều bào đóng góp kinh phí và trực tiếp mang về Việt Nam ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và đồng bào bị thiên tai. Mới đây, anh còn đến huyện Đông Anh (Hà Nội) để hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho hai cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh.
Costas Nguyễn Văn Lập đã hoàn thành hai tập hồi ký: “Một người Hy Lạp, Giám thị tù binh Nam Việt Nam” (1987) và “Tại sao tôi sang hàng ngũ Việt Minh” (2010). Hai cuốn sách nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và chính sách nhân đạo đối với tù binh của quân đội ta. Anh trực tiếp mang sách đi bán lấy tiền ủng hộ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.
Trao đổi với chúng tôi về Costas Nguyễn Văn Lập, Đại tá Lâm Quang Minh, nguyên là một cán bộ của Trung đoàn 803 khẳng định: 65 năm qua (1946-2011), chiến sĩ quốc tế Costas Nguyễn Văn Lập đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ở mặt trận chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, về hậu phương cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tinh thần quốc tế của anh thật cao cả, động cơ thật trong sáng, nghĩa tình thật thủy chung, trọn vẹn.
Trân trọng công lao của Costas Nguyễn Văn Lập, Nhà nước ta đã nhiều lần mời anh về dự các ngày lễ lớn và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý (Huân chương Chiến thắng, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến…). Anh đã được mời dự Đại hội đại biểu Kiều bào yêu nước (2009) và Đại hội Thi đua toàn quốc (2010). Ngày 7-1-2011, anh vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị và Quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam. Mới đây, người chiến sĩ quốc tế đặc biệt này đã được Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 803 kiến nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Lê Văn Thơm