.
Cửa sổ tri thức

Vùng cấm bay

* Vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra nghị quyết thiết lập vùng cấm bay trên không phận Libya. Xin cho biết, vùng cấm bay là gì? Trong lịch sử đã có những vùng cấm bay nào được thiết lập (Trần Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Vùng cấm bay là khu vực không cho phép các máy bay hay phương tiện bay (có người lái hay không có người lái) bay vào, được thành lập trong bối cảnh quân sự, tương tự như một khu vực phi quân sự trên bầu trời.

Các loại máy bay của quốc gia bị áp đặt vùng cấm bay bị cấm hoạt động trong khu vực này. Lực lượng giám sát vùng cấm bay có quyền bắn hạ tất cả các phương tiện bay nào xâm nhập, hay cất cánh trái phép trong khu vực cấm bay.

Bình thường, không phận của tất cả các quốc gia có chủ quyền trên thế giới đều là vùng cấm bay đối với các nước khác. Do đó, việc thiết lập vùng cấm bay (đối với một quốc gia nào đó) là hành động xâm lược. Vì thế, muốn thiết lập một vùng cấm bay cần được sự đồng thuận và tuân thủ các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế. Thường vùng cấm bay được áp đặt bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, như Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận Libya ngày 17-3.

Trong lịch sử, vùng cấm bay đầu tiên được thiết lập trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Lúc đó, các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập 2 vùng cấm bay ở miền Bắc và miền Nam Iraq (theo Nghị quyết 688 của Hội đồng Bảo an LHQ)  nhằm bảo vệ lực lượng nổi dậy người Kurd ở miền Bắc và người Hồi giáo Shiite ở miền Nam nước này, ngăn chặn quân đội chính phủ của ông Saddam Hunssein sử dụng máy bay quân sự.

Năm 1992, sau chiến tranh ở Nam Tư (cũ), Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 781 áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Bosnia. NATO mở chiến dịch Giám sát bầu trời để kiểm soát không phận Bosnia mà không hề triển khai máy bay nào tham gia chiến trường. Sau khi thống kê được hơn 500 lần Bosnia vi phạm vùng cấm bay, NATO thúc đẩy LHQ ban hành một nghị quyết mới vào tháng 4-1993 cho phép các nước thành viên LHQ thi hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm phù hợp với vùng cấm bay. Liền sau đó, NATO triển khai không kích ở Bosnia.

Năm 1999, NATO đã áp đặt một vùng cấm bay trên không phận Kosovo, nhằm khởi động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Serbia. Tuy nhiên, vùng cấm bay này được áp đặt mà không có sự ủy quyền của LHQ. Vùng cấm bay nói trên có thể xem như là vùng cấm bay đặc biệt trong điều kiện chiến tranh.

Từ đầu năm 2003, với sự giúp đỡ của Anh và Pháp, Mỹ tiếp tục thiết lập một vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Iraq nhằm chuẩn bị cho chiến dịch Tự do Iraq, bắt đầu vào ngày 19-3-2003. Việc thiết lập vùng cấm bay lần thứ hai này ở Iraq xuất phát từ sự tiếp tục căng thẳng giữa quan hệ Mỹ và Irap sau sự kiện khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001. Mỹ cho rằng, chính quyền của ông Saddam Hunssein đã đứng sau bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố tấn công vào nước Mỹ. Tổng thống Bush muốn một cuộc xâm lược Iraq nhằm lật đổ chế độ độc tài Saddam Hunssein. Kết quả, sau khi vùng cấm bay được lập, quân đội trung thành với ông Saddam Hunssein nhanh chóng bị đánh bại.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.