Đó là lời khẳng định chắc nịch của PGS-TS Nguyễn Tăng Cường- Học viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi sáng tạo Robot (Robocon)miền Trung - Tây Nguyên trước cơ hội giành vé sang Thái Lan của một trong các đội thuộc những trường cao đẳng, đại học trong khu vực.
Các đội đang nỗ lực hoàn thành phần thi với điểm số cao nhất. (Ảnh chụp tại cuộc thi Sáng tạo robot khu vực miền Trung-Tây Nguyên 2011 ở TP. Đà Nẵng) |
Khó nhưng hay
Chủ đề cuộc thi Robocon quốc tế năm 2011 là “Loy krathong - Tình bạn thắp sáng niềm vui” được Thái Lan lựa chọn dựa trên ý tưởng về lễ hội Loy krathong (lễ hội thả thuyền hoa đăng) - một nghi lễ truyền thống của người Thái. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày trăng tròn thứ 12 trong lịch của người Thái, nhằm tôn vinh các nữ thần của con sông. Để thực hiện chủ đề này, mỗi đội gồm tối đa ba robot: Một robot điều khiển bằng tay và tối đa hai robot tự động. Nhiệm vụ của các robot là mang nến và hoa để trang trí một krathong (đài hoa đăng hình hoa sen) và đặt lên bề mặt sông. Sau nhiều tháng trời ròng rã chế tạo rồi lập trình, huấn luyện, những con robot đã trở thành những “cô gái” hết sức khéo léo, dịu dàng thả hoa đăng trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng trăm cổ động viên dưới khán đài.
PGS-TS Nguyễn Tăng Cường, với thâm niên 9 năm tham gia vào ban giám khảo, cho biết: So với mọi năm, robot năm nay đòi hỏi phải khéo léo, linh hoạt hơn trong từng động tác. Nếu như mọi năm, robot phải sắp xếp cùng một cấu kiện, thì năm nay xếp những cấu kiện có kích thước to, nhỏ, thứ tự khác nhau. Robot đòi hỏi phải có tính chính xác, tinh vi hơn.
Còn Trung úy trẻ Nguyễn Văn Tuấn-thành viên đội SQ-PLV, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin Nha Trang - đơn vị có đến 5 đội đại diện cho miền Trung vào chung kết toàn quốc cho biết: “Đây là lần thứ 5 mình tham gia cuộc thi này. Năm nay, đề thi khó hơn. Nếu mọi năm các robot hoạt động riêng rẻ thì năm nay đòi hỏi phải có sự phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng”.
Kỳ vọng và nỗ lực
Cuộc thi Sáng tạo Robot khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2011 đã kết thúc sau 3 ngày tranh tài tại thành phố Đà Nẵng (từ ngày 2 đến 4-4). Kết quả, có 6 đội trong tổng số 38 đội dự thi vào chung kết là đội: BK-Winking (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), SQ-PLV, SQ-CMP, SQ-OP4, SQ-WPRO, SQ-03 (Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin đến từ thành phố Nha Trang). 6 đội này sẽ tham dự vòng chung kết toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 9 đến 15-5 tới. Đội giành giải nhất sẽ đại diện cho Việt Nam sang Thái Lan dự vòng chung kết robot quốc tế vào tháng 9-2011. |
Với lịch sử đã từng vô địch Robocon toàn quốc, đại diện cho nước nhà tham gia thi ở khu vực, các đội Robocon miền Trung-Tây Nguyên có thể kỳ vọng vào chính mình. Là người theo sát các trận đấu khá kỹ, PGS-TS Nguyễn Tăng Cường nhận xét: Hầu hết các đội đều có kỹ thuật cơ bản khá tốt, hoàn thành phần lớn các bài thi đấu. Số lượng điểm ghi được khá phong phú. Tuy nhiên, khâu cuối cùng khó nhất là bỏ đèn lên trụ thì vẫn chưa làm được. Đây là thách thức không chỉ với các đội khu vực miền Trung mà là với các đội trên toàn quốc. Thời gian thi toàn quốc còn hơn một tháng nữa, các đội cần bổ sung thêm việc di chuyển đầu dò robot sang phải, trái linh hoạt hơn, chứ không chỉ tiến, lùi. Cần rèn luyện tính ổn định, đẩy nhanh tốc độ để ghi được điểm tối đa…
Nói về 6 đội vào vòng chung kết toàn quốc, ông Cường cho biết: Đội BK-Winking của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có tính ổn định khá cao, ghi điểm đều đặn, robot có tính chính xác và chắc chắn. Đội cần chú ý đến robot bằng tay cần tiến, lùi hợp lý để khỏi mất thời gian. 5 đội của Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin cũng có tính ổn định cao, di chuyển linh hoạt. Nếu biết phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tôi nghĩ các đội có quyền kỳ vọng vào kết quả cao trong vòng chung kết sắp đến.
Phương Trà