Ở tuổi 15, Nguyễn Hồng Trinh, tổ 33, phường Thanh Khê Tây tối ngày chỉ biết vui chơi, lao vào game online và bỏ dở học hành khi vừa bước sang lớp 7. Cô bé là một trong 294 thanh thiếu niên (TTN) “chậm tiến” trên địa bàn thành phố được cộng đồng dang tay giúp đỡ trong gần một năm qua…
Được sự hỗ trợ của thành phố, 156 thanh thiếu niên “chậm tiến” đã được trở lại lớp học hoặc học nghề theo nguyện vọng. |
Xã hội cùng vào cuộc
Từng là học sinh khá giỏi ở bậc tiểu học, Hồng Trinh được nhiều thầy cô, bạn bè trong lớp quý mến. Nhưng rồi sức học của em dần trượt dốc khi những buổi trốn học đi lêu lổng, lao vào trò chơi game online ngày càng nhiều. Chơi hoài thành nghiện, không còn tâm trí học hành, Trinh bỏ học, suốt ngày trốn gia đình vùi đầu vào những trò chơi ảo. Cánh cổng bước vào tương lai của em dường như khép lại. Nếu không có một ngày, Trinh cùng với 293 TTN “chậm tiến” khác của thành phố có chuyến “du lịch bắt buộc” đi tham quan trại tạm giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3, Khu du lịch Bà Nà và lắng nghe Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói chuyện.
Trong tâm trí của cô bé 15 tuổi, từng điểm đến trong chuyến đi đã để lại cho em những cảm xúc khác nhau. Lo lắng, băn khoăn và có phần nuối tiếc những năm tháng hồn nhiên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Em nói: “Trước đây, em không nghĩ nghiện game là xấu, đó chỉ là trò giải trí của tuổi trẻ. Nhưng sau cuộc trò chuyện với ông Bí thư, em nhận ra rằng, càng lớn, con người càng phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”.
Theo cách lý giải của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TTN “chậm tiến” là chưa đến mức “hư” nhưng đó là biểu hiện dẫn đến tình trạng này nếu các em không thực sự nhận thức và thay đổi. Bệnh của “hư” bắt đầu từ lười. Lười biếng dẫn đến “nhàn cư vi bất thiện” sinh ra trộm cắp. “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, tiền ăn cắp lại dùng vào việc xấu như cờ bạc, chơi game, thuốc lắc, vũ trường, tiếp tục dẫn đến những hệ lụy khác như mâu thuẫn, xô xát, án mạng và vào tù, lĩnh án.
Với suy nghĩ “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, nhưng cái quý là biết đứng dậy và vươn lên”, từ tháng 9 năm 2010, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và lực lượng Công an thành phố cùng phối hợp với nhau để cảm hóa, giáo dục các em trở thành những công dân có ích.
Thời gian và những con số
Dựa trên nguyện vọng chính đáng của mỗi TTN, UBND thành phố đã có những hỗ trợ về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để mỗi em từ giã quá khứ “chậm tiến” của mình. Theo đó, trong đợt 1 từ tháng 9-2010 đến tháng 3-2011, thành phố đã hỗ trợ 96 triệu đồng giúp 56 em học nghề, học văn hóa, mua sắm dụng cụ học tập cũng như phương tiện đi lại. Trong đợt 2, bắt đầu từ tháng 4-2011, thành phố tiếp tục hỗ trợ 254 triệu đồng giúp đỡ 100 em có nguyện vọng.
Khi nghe thông tin sẽ được thành phố hỗ trợ 8 triệu đồng để theo học nghề sửa chữa điện thoại di động như nguyện vọng, Lê Văn Tuấn Anh (18 tuổi), thôn La Bông, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) thầm hứa: “8 triệu là số tiền quá lớn đối với gia đình em. Thời gian tới, em sẽ cố gắng học nghề, tìm công việc làm ổn định để tự lo cho bản thân”.
Theo anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, để số tiền hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, mỗi quận, huyện Đoàn đã cử cán bộ phụ trách tiếp cận, chia sẻ tâm tư, tình cảm và thường xuyên quan tâm, theo dõi sự tiến bộ của các em. Đối với TTN được cấp kinh phí học nghề, Đoàn Thanh niên các cấp sẽ chủ động tìm địa chỉ học tập, trực tiếp nộp học phí và làm việc với các trung tâm giới thiệu việc làm. Đối với những em có nguyện vọng đi học trở lại sẽ phối hợp với Chi đoàn giáo viên tổ chức kèm cặp, tránh xảy ra tình trạng chán nản do không theo kịp chương trình…
Sau gần một năm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, nhiều TTN “chậm tiến” đã dần thay đổi nhận thức, thói quen cũng như hành vi xấu. Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Công an thành phố Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi TTN “chậm tiến” trên địa bàn thành phố cho biết: “Nếu trong năm 2010, thành phố có gần 200 TTN phạm pháp thì trong 3 tháng đầu năm 2011, chỉ có khoảng hơn 10 em phải tập trung vào trường giáo dưỡng để rèn luyện. So với cùng kỳ năm trước, con số này là hơn 60 em”.
Chưa thể dừng lại
Dù được đánh giá khá thành công trong phương pháp giáo dục, cảm hóa TTN hư, nhưng theo ý kiến chung của những người trực tiếp tham gia công tác này, việc thay đổi hoàn toàn những thói hư, tật xấu của các em là rất khó, cần phải có một quá trình thường xuyên và liên tục. Cụ thể, trong số 294 em được quan tâm, giúp đỡ thì chỉ có khoảng 190 em có biểu hiện tiến bộ, 38 em tiếp tục vi phạm, 12 em đưa vào Trường Giáo dưỡng số 3. Đặc biệt, trong thời gian này, em Võ Văn Nam (Hòa Vang) tiếp tục có hành vi trộm cắp nên phải đưa đi cải tạo tại trại giam Tân Hòa... Với những con số trên, thì việc cảm hóa, giáo dục TTN hư vẫn còn là bài toán khó.
Ông Nguyễn Đăng Điền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xuân Hà, người trực tiếp tham gia giáo dục, cảm hóa em Nguyễn Hùng Trung, một trong 30 TTN “chậm tiến” có biểu hiện tiến bộ được Thành Đoàn khen thưởng trong đợt 1, nói những lời gan ruột: “Song song với các giải pháp là tấm lòng, vì chỉ có tấm lòng mới khơi gợi được bản tính lương thiện trong lòng của các em”.
Anh Nguyễn Đình Trung, quyền Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng tâm sự, nếu được phân công giúp đỡ, người đoàn viên hãy xem mỗi đứa trẻ hư như em mình, cùng tham gia công tác xã hội để các em phát triển nhận thức, tìm thấy niềm vui qua những việc có ích. Dự kiến cuối tháng 4, Thành Đoàn Đà Nẵng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức gặp mặt những gia đình có trẻ hư để cùng phối hợp hành động, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục, cảm hóa TTN hư.
Tiểu Yến