.
Đọc sách

Những câu chuyện của thời chiến tranh

.
Khu vườn kỷ niệm là tập truyện, ký mới nhất của nhà văn Hồ Duy Lệ vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào cuối tháng 12-2010. Sách gồm 18 bài viết chung quanh những hồi ức, những câu chuyện, những kỷ niệm không thể nào quên của tác giả về một số người con ưu tú có duyên nợ với sông Hàn một thời, với nhân dân Đà Nẵng đã góp phần làm nên một Đà Nẵng anh hùng.

Mô tả ảnh.
Bìa sách “Khu vườn kỷ niệm”.
“Khu vườn kỷ niệm”, chủ đề chính của tập sách cũng là tựa đề một bài viết về “khu vườn nhiều cây trái, hoa nở bốn mùa, của ông bà Ngô Minh Cảnh tại tổ 21, Trung Hòa A, phường Vĩnh Trung”. Đây chính là ngôi nhà được UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gắn bia di tích lịch sử nêu rõ: “Nơi công tác của bộ phận chỉ đạo của Thành ủy trong cao trào 76 ngày nhân dân nổi dậy làm chủ thành phố (11-3-1966 đến 25-5-1966). Nơi đây, một gia đình cơ sở cách mạng, với hình ảnh ấn tượng nhất là chị Ngô Minh Nguyệt – người con gái thông minh, xinh đẹp, có đôi chân bại liệt, nhưng đã vượt qua mọi khó khăn để đồng hành cùng phong trào Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng bên cạnh những anh em một thời như: Lê Đức Hùng, Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh, Lê Tự Quảng, Đặng Thái, Huỳnh Văn Hoa... đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Địa chỉ này cũng trở thành cơ quan của Ban khởi nghĩa trong những ngày đầu Đà Nẵng vừa được giải phóng, trở thành một địa điểm binh lính và sĩ quan ngụy mang vũ khí đến nộp và trình diện.

Ở “Sông Đà căn cứ nổi”, tác giả  viết về giai đoạn 1948 đến 1968, từ lúc Đà Nẵng cử đoàn đại biểu đi dự hội nghị đại biểu tại làng Chánh Lộc, Thăng Bình để quán triệt tinh thần “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh, đến chiến dịch Xuân Mậu Thân, căn cứ nổi Sông Đà trên sông Hàn đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng một thời của thành phố. Để làm nên được những sự việc, những kỳ tích ấy cần phải có những con người cụ thể, với tình yêu quê hương thiết tha, với đức tính mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Chính vì vậy, bên cạnh “Khu vườn kỷ niệm”, chủ đề nổi bật trong tập sách còn là những hồi ức về chân dung các nhà cách mạng.

“Mong về lại quê nhà”, tác giả  phác họa chân dung nhà cách mạng Hồ Nghinh, giới thiệu với người đọc một con người lãnh đạo gần gũi, bình dị mà kiên cường, mưu trí. Đặc biệt, là vai trò của ông trong chiến dịch Mậu Thân  tại Đà Nẵng. “Người chỉ huy nổi dậy” là hình ảnh ông Trần Hưng Thừa - từng có thời là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) -  một cán bộ cách mạng từng trải, hiền lành, có cuộc sống khắc khổ,  giản dị, dễ gần, là người vào sinh ra tử, có “một cuộc đời có thể viết nên một quyển sử oanh liệt oai hùng”. Thế nhưng, trước khi từ giã cõi đời vào ngày 10-1-1992, ông gửi lại Bảo tàng cách mạng Đà Nẵng mấy dòng chữ dành tặng tài sản quý nhất của ông là: “một quần dài, một áo sơ-mi trắng” mà ông dùng để cải trang hợp pháp và “một súng ngắn K.59” ông đã bí mật mang vào Đà Nẵng ngày 28-3-1975.

Ở những bài viết khác như: “Vào Đà Nẵng”, “Người gieo niềm tin”,  “Chuyện về Năm Dừa”, “Người con trai sông Hàn”, “Người con gái Mỹ Thị”, “Người từ Kim Bồng ra đi”..., chúng ta có thể gặp lại những con người nói ít, làm nhiều, ghét giả dối và sợ giả dối, để lại cho đời những tấm gương sáng như: Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Hồng Quang, Tuyết Mai, Năm Dừa...

Hồ Duy Lệ có lẽ là một trong những cây bút đặc trưng sở trường về truyện ký. Đọc văn ông có cảm giác ông viết thật thoải mái, không nặng về trau chuốt. Hay nói cách khác, ông có lối viết nhẩn nha như đang thì thầm kể chuyện, khiến người đọc không ngừng theo dõi và đôi lúc khiến ta bật cười bởi cách diễn đạt hóm hỉnh, đậm đặc chất Quảng Nam.

Đáng nói hơn nữa, nhìn lại quá trình sáng tác của Hồ Duy Lệ, có thể dễ dàng nhận ra, đề tài của ông vẫn thường xoay quanh những câu chuyện của một thời chiến tranh khốc liệt. Với tập Truyện, ký Khu vườn kỷ niệm, một lần nữa, càng khẳng định sự đóng góp không nhỏ của Hồ Duy Lệ trong dòng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng...

TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.