.

Đồng hành cùng thanh niên

.

Qua phong trào “4 đồng hành cùng thanh niên (TN) lập thân lập nghiệp” do Trung ương Đoàn phát động, nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu đã hình thành, giúp TN vươn lên làm giàu chính đáng…

Mô tả ảnh.
Thanh niên trong một buổi tư vấn việc làm.

 

Tập trung tại vùng nông thôn

Là huyện nông thôn duy nhất của thành phố, hưởng ứng 2 phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với TN lập thân lập nghiệp” do Trung ương Đoàn phát động, Huyện Đoàn Hòa Vang đã thành lập “CLB TN lập thân lập nghiệp”, từ đây các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có điểm tựa để vững tin hơn trong quá trình làm kinh tế. Tính đến nay, huyện có hơn 55 mô hình hoạt động đạt hiệu quả do các ĐVTN làm chủ với tổng số vốn hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn cũng thành lập CLB TN làm kinh tế giỏi, thu hút 25 hội viên tham gia, trở thành nơi để các đoàn viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình kinh doanh, sản xuất…

Từ những mô hình này, hàng loạt TN của địa phương đã thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt, một số cơ sở còn tạo việc làm cho TN tại địa phương như mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Bá Lộc, xã Hòa Phong rộng hơn 1.200m2, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mô hình làm bún của anh Lê Cao Phong, xã Hòa Khương từng được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2008, do có thành tích xuất sắc trong việc tạo dựng cơ ngơi sản xuất đạt hiệu quả cao và tạo việc làm cho 3 lao động trong địa phương. Mô hình nuôi nhím của anh Nguyễn Thanh Tương, xã Hòa Ninh, với 4 cặp nhím bố mẹ, mỗi năm anh xuất 6 - 7 cặp nhím giống có giá khoảng 16 triệu đồng/cặp, ngoài ra anh đang có ý định mở rộng nuôi nhím lấy thịt, gây giống nuôi gà rừng và trồng thêm hơn nửa héc-ta chè. Từ hai bàn tay trắng, anh Lê Duy Cửu, xã Hòa Ninh đã có trong tay trên 100ha đất lâm nghiệp với các loại bạch đàn, keo lai, hơn 50 con bò và 2.000m3 mặt nước để nuôi cá.

Chia sẻ về những gì mình đang có, anh Nguyễn Thanh Tương nói: “TN lập nghiệp, ngoài suy nghĩ táo bạo dám nghĩ, dám làm, cũng cần phải có kiến thức nhất định khi chọn trồng cây gì, nuôi con gì. Khó khăn lớn nhất của TN khi muốn lập nghiệp là vốn. Vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức Đoàn sẽ giúp TN có cơ hội thể hiện khát vọng làm giàu chính đáng của mình”.

Đa dạng nhiều mô hình

Có thể nói, thuận lợi của Hòa Vang là diện tích đất rừng, đất nông nghiệp vẫn còn nên TN dễ dàng hình thành các mô hình kinh tế trang trại. Trong khi, nhiều quận khác trong thành phố vẫn đang loay hoay với vấn đề này.

Trăn trở lớn nhất của anh Nguyễn Huy Bình, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà là làm sao để định hướng cho TN tại địa phương lựa chọn ngành nghề phù hợp. Theo đó, Quận Đoàn luôn xác định công tác tư vấn giới thiệu việc làm rất quan trọng, tạo điều kiện cho TN vay vốn làm kinh tế, đi học tập những mô hình hay. Thời gian qua, với số tiền 4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho sinh viên, TN, quận Sơn Trà đã xây dựng khá thành công mô hình Hợp tác xã Thương mại dịch vụ An Hải Đông của TN chuyên cung cấp gà sạch và thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, còn một số TN đứng ra làm chủ cơ sở sửa chữa xe máy, điện thoại... mỗi cơ sở tạo việc làm cho 2 - 3 người.

Xoay quanh việc giúp đỡ TN làm các mô hình kinh tế, tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng TN trên con đường lập thân lập nghiệp, có vai trò định hướng, giới thiệu việc làm cho TN trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2010, tổ chức Đoàn các cấp đã giúp 3.473 đoàn viên, TN có việc làm, với  tổng số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 43,2 tỷ đồng. Thực hiện chương trình “ba có”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội LHTN đã phối hợp với tổ chức Plan International tại miền Trung triển khai dự án “Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho TN có hoàn cảnh khó khăn”. Tính từ tháng 9-2005 đến nay dự án đã tổ chức được 17 lớp dạy nghề miễn phí, tìm việc làm cho gần 2.000 TN có hoàn cảnh khó khăn. Các khóa học giúp cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến với đồ họa vi tính, nghiệp vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng, nghiệp vụ phục vụ buồng, bar, nghiệp vụ buồng phòng nhà hàng, khách sạn…

Khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi lớp nghiệp vụ buồng, bar, Huỳnh Bá Vũ (phường Mân Thái, Sơn Trà) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã không giấu nổi niềm vui: “Có trong mơ em cũng không nghĩ được giờ mình đã có một cái nghề và được làm việc tại khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ”.

Giúp TN định hướng nghề nghiệp, vay vốn làm các mô hình kinh tế đã phần nào giải tỏa cơn “khát” việc làm của họ. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng làm tốt, như chia sẻ của anh Huy Bình: “Bên cạnh tổ chức Đoàn, TN rất cần có sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể để tự tin hơn trong quá trình lập thân, lập nghiệp”.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.