Đúng nghĩa quai là bến tàu, bến thuyền ven sông (trong tiếng Pháp), Quai Courbet (Bạch Đằng ngày nay) tập trung nhiều địa điểm ăn hàng của các tàu buôn một thời, hình thành một khu phố kinh doanh sầm uất.
Theo mô tả của tác giả Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, Đà Nẵng khi mới hình thành được chia hai khu vực rõ rệt. Khu người Pháp (quartier français) nằm ở trung tâm thành phố, chiều dọc từ đầu Quai Coubert đến ngã ba Quai Coubert – Đồng Khánh (nay là Bạch Đằng - Hùng Vương), chiều ngang đến đường Marc Pourpre (Lê Lợi). Khu bản xứ (quartier indigène) là nơi người Việt sinh sống gồm phần lớn còn lại của thành phố. Đặc biệt, từ ngã ba Quai Coubert – Đồng Khánh đến ngã ba Quai Coubert – Avenue de Musée (sau 1955 đổi thành Độc Lập, sau 1975 đổi thành Trần Phú) là nơi tập trung Hoa kiều, Ấn kiều và người Việt giàu có.
Dọc theo Quai Coubert, kể từ phía bắc xuống, lúc đó có các hãng: Chi nhánh SOCONY, trụ sở và kho hàng của Denis Frères, Descours et Cabaud, SARIC, Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles, SICA, Khách sạn Morin Frères, Đông Dương Ngân hàng, LUCIA. Cuối cùng, chung quanh chợ Hàn là cơ sở kinh doanh của Hoa kiều và một vài Ấn kiều.
Trụ sở của LUCIA (L’Union Commerciale Indochinoise et Africaine - Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi Châu) được lập năm 1904. Nơi này, trước năm 1975 là trụ sở của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, sau năm 1975 là nhà trưng bày chứng tích tội ác đế quốc Mỹ, bây giờ là tòa nhà Khách sạn Indochina Riverside.
Theo tác giả Võ Văn Dật trong sách đã dẫn, SOCONY và Compagnie Franco-Asiatique chuyên nhập khẩu và cung cấp dầu lửa cho thành phố. Lúc đó (1922) thị dân Đà Nẵng còn dùng đèn măng-sông, đèn tọa đăng (đèn lớn để bàn, còn gọi là đèn bát vì có chứa dầu to bằng cái bát), đèn treo, đèn Huê Kỳ (còn gọi là đèn hột vịt, đèn nhỏ, có bóng thủy tinh che gió to bằng hột vịt).
Từ ngã ba Quai Coubert- Đồng Khánh (Hùng Vương ngày nay) trở về nam, bao quanh khu chợ Hàn, là nơi tập trung những hãng buôn lớn của Hoa kiều ở Đà Nẵng lúc bấy giờ, trong đó nổi tiếng nhất là Quảng Triều Hưng và Đồng Lợi Hưng. Hai hãng này có bến tàu riêng bên đường Quai Coubert và chúng trở thành địa danh quen thuộc với thị dân ngày đó. Họ làm ăn đầy kiên nhẫn và nhiều mánh lới. Có những vụ mà thương gia Pháp vì thiếu kiên trì nên bỏ ngang thì Hoa kiều nhảy vào ngay và trúng lớn. Như vụ xuất khẩu đường Quảng Ngãi.
Trước 1931, các thương gia Pháp lập nhiều trạm thu mua đường ở Quảng Ngãi để xuất khẩu, nhưng thấy không khai thác được lợi nhuận, nên bỏ. Các hãng Vĩnh Hòa Mỹ, Wing Chéong Seng, Tong Ly et Cie liền nhảy vào. Họ thu mua đường rồi xuất cho Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Hong Kong và Singapore, làm chủ thị trường, qua mặt cả người Pháp, vì lúc đó, đại gia khét tiếng như Denis Frères cũng chỉ bán được ở Bắc Kỳ mà thôi.
LÊ GIA LỘC
TIN LIÊN QUAN |
---|