.
Hồ sơ tên đường: ĐƯỜNG BẠCH ĐẰNG

Phố cổ bên tả ngạn sông Hàn (phần 3)

.

Quai Courbet (Bạch Đằng ngày nay) được xem là “tiền hiền” của hệ thống đường phố Đà Nẵng, là đường xương sống của Tourane thời Pháp thuộc, chạy từ bắc xuống nam dọc theo tả ngạn sông Hàn.

 

Mô tả ảnh.
Tòa Đốc lý nay là trụ sở HĐND - UBND thành phố Đà Nẵng.

 

Đây là con đường một chiều nam - bắc, có nhiều công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, cũng là điểm xuất phát để từ đó người Pháp mở rộng thành phố về hướng Tây và hình thành những đường phố có khoảng cách gần như đều nhau. Do đó, những đường phố nằm càng xa Quai Courbet càng “trẻ” hơn, và tất nhiên, những công trình kiến trúc trên các đường phố này cũng cùng thuộc tính như thế.

Khu vực dọc phía bắc Quai Courbet là trung tâm nhượng địa, nơi tập trung các cơ quan đầu não về hành chính, trị an và kinh tế nên được ưu tiên xây dựng trước, trong đó đứng đầu là Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính). Tuy hiện vẫn chưa tìm thấy một tài liệu nào nói chi tiết về việc xây dựng công trình kiến trúc này, nhưng theo tác giả Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, nhờ các cụ cao niên có trí nhớ tốt mà còn được biết rõ một điều là nhà thầu xây cất Tòa Đốc lý và một số kiến trúc quy mô khác ở Đà Nẵng ngày đó là một người Việt Nam - ông Nghè Giá (Võ Văn Giá).

 

Mô tả ảnh.
Đầu máy xe lửa chạy ngang qua Bến cá Bạch Đằng trước năm 1975. (Ảnh: Internet)

 

Phía nam Quai Courbert, những năm đầu thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng một nhà ga phụ ở chợ Hàn, gọi là Gare de Tourane-Marché, sau khi nhà ga chính Gare de Tourane-Central (xây dựng năm 1905, Ga Đà Nẵng hiện nay) bị giới thương nhân Pháp phản đối vì quá xa trung tâm thành phố lúc đó, nơi tập trung bến cảng, kho hàng và cơ sở kinh doanh của các hãng buôn. Để phân biệt, thị dân gọi ga chính là Ga Lớn, ga phụ là Ga Chợ Hàn. Lúc đầu, Ga Chợ Hàn chỉ vận chuyển hàng hóa, đến tháng 6-1913 mới chở thêm hành khách.

Trên Quai Courbert, gần chợ Hàn, có Hiệu sách Việt Quảng do nhà cách mạng Lê Văn Hiến phụ trách. Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam, đây là nơi phát hành sách báo cách mạng ở miền Trung thời kỳ 1936 - 1940, các tác phẩm văn học hiện thực của một số nhà văn như Lan Khai, Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Hiệu sách Việt Quảng trên danh nghĩa là hiệu sách, nhưng thực chất là một cơ quan liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 6-1940, hiệu sách chấm dứt hoạt động sau khi bị chính quyền thực dân Pháp khám xét.

Sau năm 1975, đường Bạch Đằng đã được nhiều lần mở rộng, nâng cấp. Những năm 90 thế kỷ trước, Ga Chợ Hàn được phá dỡ để làm đường Bạch Đằng. Đầu thế kỷ XXI, mở đường lấn ra sát sông Hàn và giữ lại toàn bộ cây xanh, tạo nên cảnh quan đẹp một bên phố một bên sông. Nỗ lực đầy sáng tạo này đã mang lại giải nhì (không có giải nhất) cho nhóm kiến trúc sư ở Viện Quy hoạch (Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng) với tác phẩm “Quy hoạch kiến trúc cảnh quan đường Bạch Đằng”, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

Với bề dày lịch sử, văn hóa đan xen giữa cũ và mới, đường Bạch Đằng đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ người dân thành phố. Đến Đà Nẵng mà bạn chưa dạo chơi trên con đường thơ mộng này thì coi như chưa đến Đà Nẵng!

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.