Ông Huỳnh Trần Huy Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xúc tiến và Quảng bá thương mại MPA, khuyên các đơn vị đừng nên quá tiết kiệm khi tổ chức sự kiện (TCSK).
Công trình mừng Giáng sinh 2010 do MPA thiết kế và lắp đặt theo đơn đặt hàng của Indochina Riverside Đà Nẵng. (Ảnh: MPA) |
Khi TCSK, nếu đơn vị chỉ thuê trang thiết bị thì giá thành thấp, nhưng rủi ro lại cao. Lúc đó, bên cho thuê sẽ không chịu trách nhiệm khi tình huống bất trắc xảy ra. Ví như cắt băng khánh thành chẳng hạn, 4 người khách thì 5 cô gái đứng cầm khay. Nếu không có “đạo diễn” thì có thể các cô bước lên không đều, luýnh quýnh làm rớt khay, rơi kéo... vào thời khắc quan trọng nhất.
“Thời gian chết” giữa hai tiết mục đôi khi chỉ 3 - 5 giây nhưng rất là dài trên sân khấu. MC có kinh nghiệm, khi giới thiệu thì ca sĩ tiếp sau đã đứng sẵn bên cạnh rồi, nói chưa hết câu thì người này đã nhoẻn miệng cười bước ra, nhạc bắt đầu nổi lên và vào nhịp rất đúng lúc.
Nếu tiết kiệm quá, cho là mình làm được thì sẽ không thấy những lỗ hổng đó.
Nên thuê dịch vụ trọn gói từ A tới Z để được an toàn hơn. Lưu ý, trong bảng báo giá ở đây có thêm khoản chi phí TCSK từ 10% - 15% trên tổng giá trị hợp đồng. Đây là chi phí trả cho nhân sự đứng ra tư vấn và TCSK cho bên đi thuê, nhưng nhiều người không hiểu ra điều này. Ví như cho thuê cái cổng hơi 1 triệu đồng, lấy thêm 10 - 15% để trả cho người đến dựng cổng, tư vấn nên đặt điểm nào cho hợp lý… Một số công ty (mở dịch vụ cho thuê) cạnh tranh không lành mạnh thường sẵn sàng bỏ khoản phí này để giành lấy hợp đồng của bên đi thuê.
Một số đơn vị (nhất là các doanh nghiệp lớn) có sự chuyên nghiệp cao thường có cái nhìn khác. Họ có thể kèo nài giá thuê trang thiết bị, chứ phí dịch vụ thì không bao giờ. Vì họ biết giá dịch vụ đó là đi kèm với trách nhiệm của người TCSK và quyết định sự thành công của sự kiện. Ngay cả chi phí tổng duyệt (5 - 7%) họ vẫn vui vẻ chấp nhận. Nếu không có phí này, bên nhận TCSK sẽ không chạy tổng duyệt và rủi ro là không thể tránh.
VIÊN PHÚC QUÂN (ghi)