Bức tam bình “Tình bất diệt” (Forever Lasting Love) do họa sĩ Trương Hiểu Cương vẽ vừa được bán đấu giá tại Hong Kong với giá 79 triệu đô-la Hong Kong, tương đương 6,3 triệu bảng Anh. Sự kiện này không chỉ lập một kỷ lục đối với tranh của Trương Hiểu Cương mà còn chứng tỏ rằng tác phẩm nghệ thuật đương đại Trung Quốc đang lên ngôi.
Tác phẩm này được sáng tác năm 1988, vẽ một số hình người bán khỏa thân trong một quang cảnh khô cằn bao quanh bằng các biểu tượng, trong số đó là một con dê đực gầy còm. Đây là một trong số 105 tác phẩm nghệ thuật thuộc về nhà sưu tầm người Bỉ, Baron Guy Ullens, được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong bán ra. Các tác phẩm này thu về 427 triệu đô-la Hong Kong (tương đương 34 triệu bảng Anh), gấp ba lần so với giá người ta ước đoán. Đây là một bộ sưu tập rất nhiều ý nghĩa với mỹ thuật Trung Quốc với các tác phẩm thuộc thời kỳ đầu của nghệ thuật đương đại ở nước này. Đó là giai đoạn thập niên 80 và thập niên 90, khi các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc còn chưa được phương Tây chú ý.
Cuộc bán đấu giá cũng đem lại kỷ lục cho một số nghệ sĩ Trung Quốc khác như Trương Bồi Lực với tác phẩm Series “X?” số 3 bán được 23 triệu đô-la Hong Kong và Cảnh Kiến Dực, với tác phẩm Two People Under a Light (Hai người dưới đèn) thu về 18,6 triệu đô-la Hong Kong.
Trình Thọ Khang, Giám đốc điều hành Sotheby’s châu Á, cho rằng, mọi người có thể tự hào khi được sở hữu một tác phẩm của lịch sử đó, của tiến trình đó và một phần của viễn ảnh đó. Ông Ullens, người đã cùng với vợ là Myriam thành lập Trung tâm nghệ thuật đương đại Ullens tại Bắc Kinh, cho biết việc bán các tác phẩm này không có nghĩa là ông từ bỏ những ủng hộ đối với trào lưu nghệ thuật đó của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, việc Ullens quyết định bán bộ sưu tập giá trị của mình là hợp lý khi mỹ thuật đương đại Trung Quốc đang “có giá”, chủ yếu nhờ làn sóng nhà đầu tư mới xuất hiện từ chính tầng lớp giàu có ở quốc gia này.
Trương Hiểu Cương sinh năm 1958 tại Côn Minh (Vân Nam), là họa sĩ theo khuynh hướng tượng trưng và siêu thực hàng đầu của Trung Quốc. Ông lớn lên vào thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Trung Quốc hiện đại, giữa những năm 1960 và 1970, khi “Cách mạng Văn hóa” đang làm mưa làm gió, và tất cả những biến động chính trị-xã hội của giai đoạn khốc liệt ấy đã đi vào tác phẩm của Trương. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Tứ Xuyên, Trương gia nhập nhóm các họa sĩ trẻ tiền phong Trung Quốc mà hoạt động sáng tác của họ đã nổi đình đám trong thập niên 1980.
Tranh của Trương đã liên tục xuất hiện tại các triển lãm trong nước và nước ngoài từ cuối thập niên 1980 đến nay, gây được sự chú ý và được đánh giá cao ở các trung tâm mỹ thuật lớn của thế giới. Những tác phẩm của Trương, cùng lúc phơi bày những tàn tích của một giai đoạn lịch sử, đồng thời kêu gọi sự cần thiết của những ý tưởng và giá trị mới khi Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới, đề cao cái tôi cá nhân vốn đã bị triệt tiêu trong nhiều thập niên qua. Thừa nhận mình mắc nợ Picasso và Salvador Dali, Trương Hiểu Cương nói: “Tôi đọc được vài dòng sau đây của họa sĩ thể nghiệm người Anh Eduardo Paolozzi, người rất có ảnh hưởng với tôi, rằng: Người ta có thể dễ dàng có được ý tưởng đúng nhưng lại chọn cách thể hiện ý tưởng đó không đúng; hoặc có cách làm đúng nhưng lại thiếu hẳn ý tưởng”. Vấn đề là có ý tưởng và có cách thể hiện tốt nhất ý tưởng đó, như Trương Hiểu Cương đã làm từ khi bắt đầu đi vào hội họa, để tới nay trở thành một gương mặt tiêu biểu nhất của làng mỹ thuật Trung Quốc.
Gia Huy