.

Nặng lòng với sách

.

Giữa trưa hè nóng nực, ngồi trong căn phòng nhỏ, xung quanh ông chỉ toàn sách với sách. Hàng trăm cuốn sách để trên kệ, trên ghế hay nằm chỏng chơ dưới nền nhà và chất chồng lên chiếc giường được kê tạm bằng mấy tấm ván ép, chỉ còn một khoảng vừa đủ để ông ngả lưng. Ông nói rằng, để có nơi dành cho sách, ông sẵn sàng chia sẻ không gian sống của mình.

Ở tuổi 65, ông Trần Phước Tuấn vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với sách. Chẳng thế mà, tìm đến ông trong căn nhà ở địa chỉ 113 Lý Nhân Tông, tổ 53 Bình Hòa, phường Khuê Trung, chúng tôi được mục sở thị gần 30 ngàn cuốn sách đủ thể loại từ văn học, triết học, kinh tế-chính trị, tự điển đến truyện chưởng, truyện tranh… Trong đó nhiều nhất là những cuốn tiểu thuyết và sách về đạo Phật.

Bén duyên với sách

 

Mô tả ảnh.
Những cuốn sách mua từ trước năm 1975 vẫn được ông Tuấn gìn giữ cẩn thận.

Ông Tuấn kể: “Ngày xưa bố tôi rất mê truyện Tàu, ông thường mượn bạn bè về bảo tôi đọc cho nghe. Đọc được mấy cuốn, tôi bỗng mê theo bố. Mê nhưng nhà nghèo, làm gì có tiền mua sách nên sau mỗi giờ tan học, tôi tranh thủ “ngấu nghiến” từng trang sách mượn được từ bất kỳ ai”. Để thỏa sức đọc, thời gian rảnh, ông thường ra tiệm sách Bình dân thư quán của ông chủ người Tàu lân la “thuê 1 đọc 10”. Thiếu thốn là thế nên bây giờ, giữa hàng ngàn cuốn sách đủ loại, ông Tuấn vẫn dành một góc trân trọng để đặt cuốn “Dưới mái học đường”, phóng tác của Cao Văn Thái từ nguyên tác “Les grands cœurs” (Hà Mai Anh dịch là Tâm hồn cao thượng) của văn hào Edmond de Amicis (Italia). Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông có được khi tròn 16 tuổi và là món quà được người bố “trả công” sau một ngày hai bố con đi kéo xe bò thuê cho người ta.

 

Cảm giác nhàn nhã, dễ chịu khi đọc cuốn sách “của mình” khiến cậu bé lớp 6 ngày ấy nuôi dưỡng ước mong có được một tủ sách do mình “sở hữu”. Nhưng, phải đến vài năm sau đó, trên giá sách của ông mới xuất hiện cuốn thứ 2 với tựa đề Alexis Zorba-Con người chịu chơi của tác giả Nikos Kazanzakis do một người bạn mua tặng. Chính sự quan tâm nho nhỏ này đã khiến tâm hồn ông thật sự rung động khi lật mở từng trang sách quý.

Bây giờ, ngồi nhớ lại chuyện xưa, ông trầm ngâm: “Lúc nhỏ, vì không đủ tiền mua sách, thỉnh thoảng tôi và bạn bè lại bày trò… trộm sách mỗi khi có cơ hội. Khi thì nhét vào túi quần, khi thì lận vào lưng áo, mỗi lần như thế chỉ được một, hai quyển. Nhưng chỉ trộm ở các nhà sách, quán sách vỉa hè, còn sách của bạn, tôi không bao giờ đụng tới”.

Ra trường, trở thành thầy giáo nhưng đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ tiền mua sách, ông nghĩ đến việc mượn sách về photo rồi đóng thành từng cuốn. Với những cuốn sách dày, ông cẩn thận tách rời từng tờ, photo thành 2 bản, một bản đọc, một bản lưu giữ. Có những ngày, ông lân la ở các quầy sách vỉa hè để được mua giá rẻ hoặc mua lại từ những chị bán đồng nát. Nhờ thế, tủ sách của ông ngày một nhiều thêm.

“Nói đọc hết là tôi nói dóc”

Cầm trên tay cuốn  Exodus-Về miền đất hứa của Leon Uris (Thế Uyên dịch) do cô giáo tặng năm 1973, ông bảo rằng mình không thể nhớ hết đã được mọi người tặng bao nhiêu cuốn như thế. Chỉ biết rằng với chúng, ông luôn gìn giữ cẩn thận như một phần kỷ niệm của cuộc đời mình.

Cả căn phòng phảng phất mùi giấy cũ. Sách bày kín giá kệ quanh tường. Ông phân bua: “Khi xây nhà, tôi cũng thiết kế cho mình một phòng ngủ đàng hoàng, nhưng rồi sách ngày một nhiều thêm. Vậy là đành “nhường” phòng ngủ làm nơi cất sách, ôm mền chiếu qua phòng đọc ngủ đến bây giờ”.

Ông cực kỳ khó tính với những kẻ “trưởng giả học làm sang”, giả mê sách để “đánh lừa” thiên hạ. Ông cũng ghét ai đó vừa đọc sách vừa tán chuyện, đang đọc mà có người gọi là ném ngay quyển sách xuống rồi bỏ đi mà không cần biết sách có thể bị ướt, bị bẩn hay không. Ông cũng không chịu được cái cách lật sách xành xạch hay thấm nước bọt trên đầu ngón tay nhưng lại rất quý những người thật sự mê sách, “biết” đọc sách.

“Tôi đã đọc sách gần 60 năm qua, nhưng nếu nói tôi đã đọc hết tủ sách của mình là tôi nói dóc”, ông Tuấn thật thà nói. Cách đọc của ông cũng thật đặc biệt, trong hàng chục ngàn cuốn sách của mình, ông không bao giờ gấp trang, không để lại vết mực, tất cả đều vẹn nguyên như lúc ông mới mua về. Khi bắt gặp những đoạn văn hay, những câu tâm đắc, ông tỉ mẩn ghi vào sổ tay số trang hoặc đánh máy vi tính và in tặng bạn bè.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Hán trước năm 1975, nhờ thường xuyên đọc sách nên kiến thức Hán văn của ông ngày càng được trau dồi. Cách đây mấy năm, ông hoàn thành “Bảng tra cách đánh chữ Hán (âm Việt) theo mã Thương Hiệt”, nhưng do nhiều nguyên nhân, công trình giúp cho việc đánh chữ Hán trên máy vi tính này vẫn chưa được xuất bản.

Nỗi lo “thừa kế”

Dù rất tâm huyết với tủ sách của mình, nhưng khi đất nước giải phóng, ông Tuấn vẫn giao nộp nhiều sách do chính quyền Sài Gòn xuất bản. Có vài cuốn quý, vì tiếc đứt ruột, ông nghĩ cách để “giấu” chúng. Ông cho sách vào túi ni-lông, gói kín bỏ vào chuồng bồ câu trước nhà. Rồi ông “cố tình” quên chúng đi để người lạ không phát hiện. Cẩn thận là thế, nhưng đến khi lấy được sách xuống thì phần lớn đã bị mối, chuột gặm thủng.

Để bù đắp lượng sách đã mất, suốt thời gian sau này, ông Tuấn đi khắp các nhà sách lớn, nhỏ trong thành phố để tìm mua. Ông nói vui: “Tiền thì có thể tôi không có, nhưng sách thì nhất định phải có, nhất là những sách hay, sách quý”. Tất cả những sách có được, ông đều tự tay mua giấy ni-lông về bao bìa cẩn thận. Sau vài ba năm, ông lại “thay áo mới” cho chúng. Có những cuốn dù đã đọc từ trước những năm 1975, nhưng khi biết sách tái bản, ông vẫn mua về để lưu giữ.

Thật không khó để nhận ra, trong tủ sách của ông, phần lớn là những tiểu thuyết Kim Dung như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên đồ long ký hay truyện Tàu như Tây du ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc diễn nghĩa, Tần Thủy Hoàng, Lưu Công kỳ án, Tình sử Võ Tắc Thiên… Ngoài ra, ông còn sưu tầm hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của tác giả Mario Puzo như Bố già, Luật im lặng, Gia đình giáo hoàng, Đất khách quê người, Những kẻ điên rồ phải chết… Bên cạnh đó là rất nhiều tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn cũng như sách về kinh Phật, phong thủy. Dù tuổi không còn trẻ, ông vẫn dõi theo dòng chảy văn học của thời đại khi trên giá sách của ông, không thiếu những cuốn sách mới xuất bản như Rừng Na Uy, Chạng vạng, Trăng non, Thế giới phẳng, Cánh đồng bất tận…

Gắn bó với sách cả cuộc đời, nhưng không ít lần, ông vì sách mà… mất bạn. Ngày trước, ông thường “vô tư” cho bạn mượn sách rồi họ không trả. Sau vài lần như thế, ông đúc kết một kinh nghiệm, chỉ cho những người mình thật sự tin tưởng mượn sách, hoặc ông chỉ cho mượn với điều kiện, người được mượn phải cho ông mượn một cuốn khác thay thế. Sự khó tính của ông già mê sách này cũng là điều dễ hiểu, bởi ông đọc sách nhiều, trọng chữ tín nên với người mượn sách rồi không trả, ông không trọng. Khi sự tôn trọng không còn, thì tình bạn cũng dễ dàng mất theo. Đó là điều khiến ông buồn nhất.

Ở tuổi xế chiều, không con cái, ông Tuấn còn một mối lo khác lớn hơn việc mình không có ai phụng dưỡng, khói hương. Đó là nỗi lo tìm “người thừa kế” cho sách. Bởi theo ông, kiếm được người nặng lòng với sách không dễ. Họ phải là người thích đọc, có kiến thức sâu rộng, đặc biệt là không coi nặng chuyện tiền bạc và biết nâng niu, giữ gìn sách. Để chuẩn bị cho “chuyến đi xa” của cuộc đời mình, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện đóng lại kệ sách, lập thư mục với ý định “lập một thư viện gia đình, giao lại cho người thân quản lý. Nếu không tìm được người thật sự yêu sách, ông sẽ hiến tặng sách cho một địa chỉ nào đó đáng tin cậy”.

Cuộc nói chuyện của ông và tôi về sách chỉ tạm kết thúc khi người nhà lên nhắc: “Đến giờ ăn trưa rồi ông”. Chỉ khi đó, ông mới nhìn vào chiếc đồng hồ lúc này đã điểm 12 giờ 30 phút. Rời căn nhà đầy sách có ông chủ khó tính nhưng cũng rất nhiệt thành với những ai mê sách, muốn nói về sách, tôi chợt nhận ra rằng, giữa cuộc sống xô bồ, có mấy người được như ông, mê sách cả đời, đọc sách cả đời và nâng niu, gìn giữ cả đời dù có những cuốn sách quý khi mua về đã sứt bìa, lìa trang…

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.