.

Nở rộ tổ chức sự kiện ở quê

.
Thời đô thị hóa, các miền quê xa ngày càng nở rộ những hoạt động bề nổi rất đình đám, mở ra cơ hội để nghề cho thuê giàn nhạc phát triển.

Công xá không đong đếm được

Mô tả ảnh.
Bao trọn gói dịch vụ, Hữu Quế kiêm luôn công việc cắt chữ đính trên phông màn.
Trời đổ mưa. Anh Hữu Quế nhìn cái sân sền sệt nước mà ngán ngẩm. Bà con thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, háo hức chờ xem văn nghệ chào mừng kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng mà thế này thì... Xong bữa trưa qua quýt, 8 anh em mặc áo mưa đi lắp sân khấu, dựng đèn, đặt loa rồi phủ bạt ngồi chờ. Đêm xuống, thử âm thanh, ánh sáng ngon ơ đâu vào đấy mà vẫn mưa. Ban tổ chức ráng động viên: Nếu không diễn được thì tụi tui vẫn thanh toán cho mấy anh 50%, yên tâm đi nghe.

Trời chừng như chiều lòng người, một lát thì mưa tạnh hẳn. Diễn viên lên sân khấu diễn ngọt xớt.

“Sô” đó, Hữu Quế nhận 3,5 triệu đồng để lo trọn gói: Sân khấu, âm thanh, ánh sáng, phông màn (cả chữ nội dung trên phông), nhạc công... nghĩa là tất tần tật những gì cần thiết cho một đêm văn nghệ, trừ diễn viên. Sau khi trả hết các khoản thì mỗi người còn được khoảng 200 nghìn đồng. Đội mưa gió mà chừng đó thì cũng chẳng bõ bèn gì, nhưng anh vẫn bằng lòng: “Đi làm, thấy bà con vui là mình sướng rồi, nghĩa tình không đong đếm được. Cũng nhờ rứa mà có chi là họ lại kêu mình”.

Theo ước tính của Hữu Quế, trên khắp 11 xã thuộc huyện Hòa Vang hiện có không dưới 60 “bầu sô” làm nghề “tổ chức sự kiện” như anh, trong đó có không ít người trẻ tuổi làm MC, nhạc công hay tốt nghiệp các lớp chính quy ngành văn hóa-nghệ thuật về. Nhiều là thế, nhưng nói đến “thương hiệu” thì cũng chỉ một vài người. Đó là những người không chỉ dày dạn kinh nghiệm mà còn có đủ từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu cho đến diễn viên, MC, nhạc công.

Thâm niên nhất trong nghề là Hữu Quế, anh đã từng bán lúa mua amply, loa sắt từ cuối những năm 70 thế kỷ trước. Những “lão làng” cùng thời với anh có thể kể đến các anh Phạm Hồng Thái, Đặng Công Nghệ, Đoàn Văn Thể... Đó là những người mà cái chất văn nghệ đã ăn sâu vào máu thịt, không thể nào dứt ra được. Họ nổi tiếng đàn giỏi, hát hay (nhất là dân ca bài chòi), nếu ai có khó khăn thì sẵn sàng phục vụ với tiền công là... nghĩa tình.

Cũng phải biết bảo vệ “thương hiệu”

Nếu Hữu Quế là một trong những “tiền hiền” của làng nghề cho thuê giàn nhạc ở Hòa Vang thì Thanh Châu đóng góp cho hoạt động văn hóa-văn nghệ sau lũy tre làng này những sắc thái mới. Thanh Châu tham gia đội thông tin lưu động huyện, có chất giọng phù hợp với dân ca khu 5, có tài làm MC, từ năm 2002 anh “ra riêng” lập một giàn nhạc ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên.

Anh bảo, không dễ tạo được “thương hiệu”, nhưng cũng từ đó mà lắm lúc rơi vào cảnh “trâu buộc ghét trâu ăn”. Có lần anh nhận một sô đám cưới, chủ nhà bảo đem thiết bị tới trước một đêm cho chắc. Sáng ra, người của anh thử loa thì nghe như có tiếng ve kêu. Kiểm tra lại thì 6 cái loa, cái nào cũng bị thủng mất mấy lỗ. Lặng lẽ chạy về đưa 6 loa khác tới thay ngay. Hỏi ra, mới biết gần đó có một ban nhạc mà chủ nhà “quên”, lại đi thuê ở xa tới nên có ai đó đã trà trộn vào và “xử lý” như vậy cho bõ ghét!

Theo kinh nghiệm của Hữu Quế, tạo lòng tin cho “đối tác” cũng là một cách xây dựng “thương hiệu”. Có lần anh nhận làm đám cưới cho một người Cơtu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. Bận “chạy sô”, anh đưa người khác lên thay mình nên lúc đầu có trục trặc âm thanh đôi chút. Thế mà chủ nhà đã khăng khăng không chịu thanh toán: “Mấy anh không thực. Tui xuống nhà thì thấy mấy cái loa cao tới ngang ngực, rứa mà anh mang lên đây thì mấy cái loa chỉ ngang lỗ rún”. Cũng phải đợi đến một đám cưới khác, anh đích thân lên phục vụ, rồi nhờ ông Lê Văn Nghĩa (lúc đó là trưởng thôn) nói chuyện có tình có lý mới lấy được tiền của anh chủ nhà chê cái loa “ngang lỗ rún”!

Làm nghề này, nhiều khi nhận sô giàn (cho thuê cả giàn nhạc) không có “thu nhập” bằng sô oọc (cho thuê chỉ một cây đàn Organ). Vào những ngày cao điểm, từ giàn nhạc, organ, đến MC cũng đều “cháy” cả, ai lỡ nhận nhiều sô là mướt mô hôi, làm không ra gì là mất uy tín. Thanh Châu lần đó làm một lúc 3 sô, gặp bữa đám cưới nhiều quá, không biết kiếm đâu ra MC. Nghe tin có thanh niên của một doanh nghiệp ở Đà Nẵng lên làm công tác dân vận ở Hòa Liên, anh đánh liều đi tìm. Gặp một thanh niên được giới thiệu là có tài ăn nói, anh hướng dẫn sơ vài đường, thế mà mọi việc diễn ra trôi chảy, lại được mọi người khen là biết phát hiện ra MC mới nữa.

Hữu Quế và Thanh Châu còn là hai nhân vật chính của CLB Bài chòi Sông Yên, hoạt động dưới sự bảo trợ của Phòng VH-TT huyện Hòa Vang. CLB không mang lại cho họ thu nhập nhưng mang lại sự quảng bá “thương hiệu” của riêng mỗi người. Khán giả đến chơi bài chòi, cười thỏa thích với những câu hô dí dỏm của các anh hiệu, tiếng đàn ngọt xớt của các nhạc công, thế là biết đến từng người. Ở quê sống với nhau rất trọng tình, đã quý mến ai rồi thì thôn mình, nhà mình có việc gì là a-lô cho người đó ngay.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.