.

“Nóng” chuyện bếp núc ký túc xá

.
Mặc cho quy định cấm nấu ăn trong ký túc xá (KTX), nhiều sinh viên (SV) vẫn tìm mọi cách “lách luật”. “Bão giá” hoành hành, họ càng có lý do lén lút nấu ăn “chui”.

Mô tả ảnh.
Đồ nghề nấu ăn ngụy trang trong thùng giấy giấu dưới gầm giường.
 
Tất cả trong một!

Không khó nhận ra “phong trào nấu chui” của SV tại KTX ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa... khi hầu như các cửa phòng đều đóng kín mít vào các giờ cao điểm từ 10 - 12 giờ và 17 - 19 giờ mỗi ngày.

Một nữ SV tâm sự, trước đây Ban quản lý (BQL) còn “thoáng” nên các bạn nấu bằng bếp gas mini, nhưng thời gian qua việc kiểm tra gắt gao và liên tục, một số phòng đã bị tịch thu gần như toàn bộ “đồ nghề”, vì thế bây giờ tất cả các món ăn đều “ra lò” từ duy nhất cái… nồi cơm điện.

Nồi cơm được ngụy trang trong chiếc thùng bìa cứng, khi nhận mật hiệu cảnh báo của các phòng bên cạnh, SV vội đẩy toàn bộ đồ đạc xuống gầm giường. “Bí quá thì mang đồ nấu vào nhà tắm, nhà vệ sinh, chứ nếu bị tịch thu thì mất hết. Nhiều hôm đang nấu giữa chừng bị kiểm tra, đành vác bụng đói lên giảng đường. Có hôm cơm nấu buổi trưa, để trong phòng vệ sinh hay dưới gầm giường đến chiều mới về ăn được” - T.T than thở.

Thời gian gần đây, SV nấu chui ngày càng nhiều nhằm chống “bão giá”. Nấu chui cũng chính là chủ đề cửa miệng của SV khi đến giảng đường. Nhiều SV thường hỏi nhau: “Hôm nay mất sổ gạo không?” - tức “Có bị BQL bắt không?”. 

Cháy nổ rập rình

Mô tả ảnh.
Tự nấu ăn tại KTX là nhu cầu bức thiết của SV.
Thầy Phan Văn Mẫn - Phó Phòng Công tác Học sinh-sinh viên, phụ trách KTX Trường Cao đẳng Công nghệ cho biết: Thiết kế hệ thống điện trong KTX không đủ tải cho nấu ăn. SV chỉ có thể nấu nước sôi pha mì gói. Do ổ điện ít, SV nối thêm dây chạy trên sàn nhà hoặc hành lang nhà vệ sinh, nơi ẩm ướt nên rất dễ chập điện. Có SV còn liều lĩnh nấu canh, thậm chí cả… kho cá bằng dây nấu nước sôi. Những thiết bị này được bày bán tại các cửa hàng điện với giá 20.000 đồng/dây. “Có lần quá tải, phích cắm nóng chảy, bốc khói khiến cả phòng hoảng hốt. Nhiều phòng cũng lo lắng khi nấu ăn bằng dây đun nước dễ dẫn đến cháy nổ hoặc gây chập điện, nhưng vì “nấu chui” nên các bạn phải làm liều” - một SV lo lắng. Thậm chí các bạn không dám bật ti-vi vào giờ cao điểm nấu ăn, bởi điện sẽ chập chờn. SV T.K.D, KTX Trường CĐ Kinh tế Kế hoạch nói: “Một lần vừa nấu cơm, vừa bật quạt, vừa nấu canh bằng dây đun nước, lại mở ti-vi nên khu nhà KTX mình bị chập điện. Mấy lần cháy cầu chì, mùi khét lẹt nên chừa luôn”.

Thầy Phan Văn Mẫn cho biết thêm, tại KTX Cao đẳng Công nghệ cũng đã từng xảy ra sự cố điện do SV nấu ăn gây quá tải hệ thống. Từ đầu năm đến nay, BQL cũng đã phát hiện vài trường hợp SV nấu chui và mời SV ra khỏi KTX. Thầy Phạm Hồng Phong - Phó Phòng Công tác Sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng cho biết: KTX phát hiện khoảng 7 phòng vi phạm. Ở những KTX đông sinh viên nữ, tỷ lệ nấu ăn càng cao, nguy cơ cháy nổ càng nhiều.

Mỗi tầng của KTX ĐH Sư phạm, CĐ Kinh tế Kế hoạch, CĐ Giao thông vận tải II đều bố trí một bình chữa cháy cầm tay và một vòi nước cứu hỏa dưới chân cầu thang. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, một số tầng KTX ĐH Sư phạm và CĐ Giao thông-Vận tải II chỉ còn trơ giá đỡ! Riêng khu nhà 1 và nhà 2 của KTX ĐH Bách khoa, mỗi tầng có từ 8-12 phòng với một cầu thang lên xuống nhưng không hề có vòi nước, bình cứu hỏa hay thiết bị chữa cháy nào.

KTX tương lai có nhà bếp?

Theo thầy Phan Kim Tuấn, Trưởng Phòng Công tác Sinh viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng, nhiều KTX trên cả nước đều không cho SV nấu ăn trong phòng. Tuy nhiên thực tế Trường ĐH Kinh tế có đến 350 sinh viên nước ngoài trong tổng số 1.000 sinh viên đang ở trong KTX. “Khoảng 5 năm gần đây, nhà trường tạo điều kiện để các sinh viên Việt Nam và quốc tế nấu ăn tại khu vực riêng trong từng phòng, để các em có được những món ăn phù hợp khẩu vị vùng miền, quốc gia” - Thầy Tuấn chia sẻ.

Về phía ĐH Đà Nẵng, trong cuộc họp gần đây, trước đề nghị của các trường về nhu cầu nấu ăn của sinh viên ở KTX, ĐH Đà Nẵng đã họp bàn trong tương lai nếu xây dựng KTX mới phải tính đến việc xây dựng khu nấu ăn tập trung ở ngoài phòng ở, hoặc mỗi tầng một nhà bếp, hoặc bếp riêng trong từng phòng sinh viên. Còn đối với KTX sắp xây dựng của ĐH Kinh tế sau khi được Bộ Giáo dục-Đào tạo đồng ý chắc chắn sẽ có nhà bếp cho sinh viên.

Trong khi đó, ông Lương Đức Trí, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty CP Đức Mạnh, đại diện nhà thầu và thi công 2 công trình KTX SV mới tại quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Hai khu KTX này sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 10.000 SV. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi nhận thấy khối nhà trung tâm có diện tích khá nhỏ so với chức năng phục vụ ăn uống, nhà bếp, điều hành, nơi học tập, thể thao, nhà sách, thư viện, siêu thị… Do đó, chúng tôi đã có nhiều cuộc họp kiến nghị với chủ đầu tư là UBND thành phố Đà Nẵng để mở rộng khu nhà trung tâm này”.

Yên Giang
;
.
.
.
.
.