Giò lụa giò thủ, chả quế chả cuốn vẫn nổi tiếng ở ngoài ấy, xứ Bắc. Giò bò trái lại, một mực khẳng định giá trị trong này, Đà Nẵng. Những đồng nghiệp bạn bè của tôi ở Sài Gòn mỗi lần ra Đà Nẵng khi về mang theo hai thứ, là ớt xanh và giò bò.
Ớt xanh Sài Gòn không thấy bán. Còn giò bò không thiếu trên các kệ đồ nguội ở các siêu thị hoặc ở các chợ. Nhưng bạn bè đồng nghiệp của tôi thì nhất quyết chỉ giò bò Đà Nẵng mới ngon! Có một điều cần phải nói ngay, các đồng nghiệp bạn bè của tôi mua ớt xanh, giò bò đều là đàn ông. Nếu cần phải nói thêm thì đấy là những người sành ăn, hoặc giả chiều vợ. Đàn ông vốn ngại chuyện chợ búa, lười chuyện bếp núc. Một khi họ đã bỏ công tìm mua một thứ đồ ăn, hẳn thứ đồ ăn đó ít nhiều đặc biệt…
Ngày còn là sinh viên ở nước ngoài, mỗi khi ăn xúc xích tôi lại nhớ tới giò lụa, tới lạp xường. Phải công nhận xúc xích khô (salam) thịt ngựa khó có thứ xúc xích nào ngon bằng. Nhưng miếng giò lụa một lần ra Hà Nội lại xui khiến tôi nhớ miếng giò bò. Cậu bạn quê Hưng Yên thấy tôi than vãn, nằng nặc kéo tôi về quê, tự tay giã, tự tay gói một cái giò mời tôi. Ngay miếng đầu tiên tôi phải công nhận giò gói theo phương pháp truyền thống khác hẳn thứ giò làm bằng máy ngày nay. Nhưng tôi đã không than vãn nếu ngày xưa tôi chưa ăn miếng giò truyền thống để có cơ sở so sánh…
Thịt bò hẳn nhiên khác thịt heo. Miếng thịt heo vừa mổ còn nóng hôi hổi cho vào cối giã ngay mới mong có một cái giò ngon. Còn thịt bò có giã được không hay phải cho vào máy xay? Tôi không rõ, cũng như không nhớ mình ăn giò bò lần đầu tiên khi nào? Nhưng có một điều tôi biết, là từ lần đầu tiên cho tới tận bây giờ miếng giò bò tôi vẫn thỉnh thoảng bày lên mâm cơm, vẫn vậy, tức tôi không hề đánh mất cảm giác ngon miệng. Giữ chất lượng hay tăng giá? Thật may nhà hàng đã chọn giải pháp thứ hai. Vẫn luôn đông khách hằng ngày, vẫn không có bán trong mấy ngày Tết. Vậy là không chỉ tôi, không cá biệt. Những người đã có dịp nhâm nhi một miếng giò bò Đà Nẵng ngày qua ngày năm lại năm vẫn mê nó!...
Vũ Bằng mười hai tháng thương nhớ đủ các món ngon xứ Bắc, nhưng “Thương nhớ mười hai” không một chữ về giò bò. Nguyễn Tuân hết lời ca ngợi giò lụa và cũng chỉ một thứ giò ấy ông thưởng thức. Là vì quê hương giò bò trong này. Là vì chỉ giò bò Đà Nẵng mê hoặc khách thập phương. Những đồng nghiệp bạn bè của tôi ở Sài Gòn, nhưng người này quê Bắc, người khác trong Nam. “Chín người mười ý” - gói một cái giò bò vừa miệng thiên hạ thì giò bò Đà Nẵng xứng đáng được người ta nhớ, người ta khen!
Hoàng