.

Bi hài sống thử

.
Tình trạng sinh viên (SV) sống thử chưa bao giờ thôi “nóng”, mặc cho nhiều hồi chuông đã cảnh báo vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Buổi tuyên truyền sức khoẻ sinh sản dành cho sinh viên.
 
Thử  mới biết

Nhiều SV là cán bộ lớp, hoặc nắm giữ vai trò quan trọng của Đoàn, trường vẫn coi sống thử là điều cần… thử. Họ cho rằng trước sau gì cũng cưới; ở chung cho vui, tiết kiệm hoặc thử mới biết liệu có sống… thiệt được không.

N.V.P và N.M.T, quê ở Quảng Bình, SV năm 3,  đã gia nhập “hộ” SV sống thử. N.M.T đinh ninh: “Hai nhà đã biết chuyện tụi mình yêu nhau rồi, ra trường xong là cưới liền thôi. Thế nên giờ sống thử có gì lạ đâu chứ”.
Không công khai như nhiều người, nhưng một số SV cũng tìm cách sống khá táo bạo. Hai chị em L. và T., ĐH Sư phạm đã chọn kiểu chung sống… nửa ngày với người yêu là những SV ĐH Bách khoa. Ban ngày, bốn người nấu ăn chung như bạn bè. Đến tối, họ đổi một nữ qua phòng này lấy một nam phòng kia về. Khi được hỏi vì sao chủ nhà chỉ cho nữ thuê phòng mà hai bạn nam vẫn ở đây được, L. vô tư cho biết: “Mình nói đó là hai anh họ, xin cho ở gần để tiện chăm việc ăn uống”.

Hậu quả có thể thử?

Mô tả ảnh.
Tham gia những buổi sinh hoạt Đoàn sôi nổi cũng là cách để các bạn trẻ vượt qua những cám dỗ trong đời sống tình cảm. (Ảnh minh hoạ: T.Yến)
Khi quyết định ở chung, dĩ nhiên các SV này sẽ phải đón nhận một cuộc sống với những bộn bề không hề “giả”. Nhiều SV nữ sau giờ tan lớp phải lật đật về để kịp đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo. Sau khi có “chồng”, công việc của “vợ” tăng lên gấp đôi, nhất là khi họ sống chung với những anh chàng nghiện game, nhậu nhẹt. Có những cặp cãi vã thường xuyên bởi những điều không hề dính đến việc học như “chồng” hay quăng quần áo bừa bộn, “vợ” không thể nấu được một bữa ăn tử tế. Dần dần, họ thấy chán rồi cấm đoán nhau giao lưu với bạn bè để khỏi sao nhãng việc nội trợ.

Có những cặp đã đi đến hôn nhân, nhưng cái kết đôi khi không thật có hậu như họ tưởng. Hương và Hòa (tên nhân vật đã bị đổi) từng trọ trên đường Nguyễn Khuyến là một ví dụ. Hương học năm cuối, còn Hòa mới ra trường được một năm. Hương có thai sau khi về ở chung hai tháng. Cả hai phải kết hôn dù gia đình không ưng ý. Hương nghẹn ngào: “Tiếng là cưới chồng rồi, nhưng hằng tháng mẹ vẫn phải gửi tiền ra chu cấp. Chồng mình đi làm mỗi tháng chưa đầy hai triệu, lo sao đủ. Mình thì học hành chưa xong, việc làm chưa ổn. Nhiều khi túng quá, vợ chồng nổi cáu, giận nhau cả tuần”.

…Gà vọc niêu tôm

Để thoải mái sống thử, các cặp thường tìm tới những dãy trọ không có chủ đóng đô, hay các khu trọ xa trường học, ít SV.

Nguyễn Công, ĐH Duy Tân tâm sự: “Dãy trọ mình thoải mái lắm, bà chủ lâu lâu mới xuống một lần nên SV muốn làm gì thì làm. Có vài cặp  ở chung, còn chuyện đưa bạn gái, bạn trai về là thường rồi”. Còn Nguyễn Văn Ngự, ĐH Đông Á kể: “Khi dẫn em gái đi tìm phòng, mình gặp một số chủ nhà e dè vì nghĩ rằng chúng mình là những cặp sống thử. Có người nói thẳng chỉ cho nữ ở, 11 giờ đêm đóng cổng. Mình chọn ngay những nơi đó cho em gái. Họ cũng như ba mẹ ở nhà. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Chủ xóm trọ số 25 đường Phạm Như Xương lại đưa ra một nguyên tắc là chỉ cho nam thuê phòng và không được phép dẫn bạn gái đến chơi với bất cứ lý do gì. Vài SV lần đầu đến ở thấy có nhiều bất tiện, nhưng dần dần lại thương bà chủ khó tính. Cô chủ tếu táo: “Ba má mấy đứa nhờ cậy tui bảo ban, càng nghiêm càng tốt. Thoải mái quá khác chi vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng tui không khắt khe mãi đâu nghe, hễ nấu gì ngon là cho mỗi đứa một ít, thỉnh thoảng ra nói chuyện hài, đánh bài cũng vui lắm chớ”.

Theo các bạn SV, để hạn chế tình trạng sống thử, việc ba mẹ thường xuyên thăm nom hay liên lạc chặt chẽ với chủ trọ cũng là một cách quản lý khá hữu hiệu.

Trần Hiền
;
.
.
.
.
.