.

Cạn dòng Mekong

.
Khởi nguồn từ Tây Tạng, Mekong là một trong 12 con sông lớn nhất thế giới. Mekong dũng mãnh như mạch sống của đất nước Lào, gắn với núi non hùng vĩ và những con suối ngọn nguồn, gắn bó nhiều sắc tộc sinh sống đôi bờ, chuyên chở và kết nối các nền văn hóa.
 
Mô tả ảnh.
Bãi bồi ven sông Mekong.
 
Chảy qua nhiều lãnh thổ, nhiều vùng dân cư có sắc tộc, ngôn ngữ, thổ ngữ khác nhau, con sông này mang nhiều tên gọi. Người Trung Hoa gọi là Lan Thương Giang, người Lào và người Thái gọi là Menam Khong (sông mẹ), người Campuchia nay vẫn gọi Tonle Thom (con sông lớn). Hướng về nguồn cội người Việt Nam gọi Cửu Long Giang-sông của đất chín rồng. Thời người Pháp cai trị toàn cõi Đông Dương, có ảnh hưởng cả tiếng Anh và tiếng Thái Lan, tên sông Mekong được chấp thuận trên bản đồ thế giới. Cái tên gần nghĩa với một từ gốc Thái rất thơ mộng là “mẹ của các con suối”.

Từ Tam Giác Vàng dòng Mekong đổ về hướng đông, quanh co, chìm sâu trong bản trường ca hoang dã của đại ngàn và cao nguyên. Không có biển nên với Lào, Mekong là cửa ngõ ra thế giới bên ngoài bằng thủy trình.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu: Đi khắp nước Lào đâu cũng gặp Mekông/Nhìn bốn phía đều thấy rừng trước mặt.

Mô tả ảnh.
Bản đồ sông Mekong. (Ảnh: Internet)
Ngày đầu tiên đến Luang Prabang, tôi du thuyền ngược Mekong tham quan động Pak Ou và Quốc tự  Wat Xiêng Thong. Đi dọc Mekong thỉnh thoảng lại gặp những gò nổi và cồn bãi hai bên bờ. Mekong dũng mãnh ngày nào bây giờ vẫn mải miết chảy về xuôi nhưng trông rất hiền lành, có những đoạn đã gần trơ đáy mà chỉ thuyền nhỏ mới lưu hành được. Dòng chảy đang thu hẹp dần nhường chỗ cho những bãi ngô, vườn rau bên mé sông trườn ra. Mekong chở nặng phù sa vốn là quà tặng của thiên nhiên từ bao đời nay đang co thắt lại, đang uể oải trên hành trình về với biển cả.

Đang vào cuối mùa khô, bên sông trở thành những bãi bồi giống như sông Hồng nhìn từ cầu Long Biên, cầu Chương Dương. Trước mắt chúng tôi bãi bồi lấn gần nửa dòng sông đẩy đường biên giới tự nhiên về gần phía Thái Lan. Cũng do đặc điểm tự nhiên này mà người Lào và người Thái đạt được thỏa thuận lấy điểm sâu nhất của dòng Mekong làm đường biên.
Đất nước Lào vẫn chia đều hai mùa mưa nắng nhưng người dân Lào thì không mấy ai quan tâm, thắc mắc về chuyện nước Mekong bỗng dưng chảy đi đâu hết mà dòng sông cứ mỗi ngày mỗi cạn dần.

Công cuộc đổi mới, hội nhập đã phần nào làm biến thiên nhịp sống tĩnh lặng của người Lào. Nhưng đó là ở các đô thị, ở các lĩnh vực hoạt động dịch vụ, thương mại cần phải cạnh tranh để sinh tồn và phát triển. Người Lào không thích cuộc sống ồn ào, sôi động. Họ muốn giữ một đời sống yên tĩnh.

Trong khi đó, Ủy ban sông Mekong và Chính phủ các nước tiểu vùng đang đau đầu trước vấn nạn khai thác Mekong vô tội vạ vì những lợi ích cục bộ. Năm 2009, tôi sang Lào đúng vào lúc dư luận báo chí trên thế giới đang chỉ trích Trung Quốc đã và đang xây dựng một chuỗi mười mấy công trình thủy điện ở đầu nguồn Lan Thương. Dung lượng nước trong các hồ chứa này không chỉ sử dụng để nhả ra nguồn năng lượng mà còn được dùng để tưới tắm cho những vùng đất mênh mông trên các cao nguyên bao la ở Vân Nam đang khô cằn do biến đổi khí hậu. Thông tin từ báo cáo của Liên Hiệp Quốc thời điểm đó cho biết: Trung Quốc đã xây 8 đập nước ở thượng lưu Mekong và đã hoàn thành đập Tiểu Loan cao 292m, cao nhất thế giới. Sức chứa của đập Tiểu Loan tương đương với toàn bộ các hồ chứa của vùng Đông Nam Á cộng lại. Lào, Thái Lan và Campuchia cũng đã và sẽ xây dựng khá nhiều đập nước trên Mekong và các phụ lưu. Cũng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng đập Tiểu Loan đã làm thay đổi lượng nước và nhịp độ của dòng sông, làm giảm chất lượng nước và làm mất tính đa dạng sinh thái của con sông chảy qua sáu nước.

Mô tả ảnh.
Thượng nguồn sông Mekong. (Ảnh: Internet)
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm nay, khi tôi qua Lào cũng là lúc cả thế giới rộ lên những thông tin lo ngại về con đập Xayaburi được xây ở dòng chính Mekong phía bắc Lào, nằm ở quãng giữa Luang Prabang và Viêng Chăn. Xayaburi sẽ là đập đầu tiên trong số 12 con đập được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu Mekong. Những mất mát lớn về đa dạng sinh học và tài nguyên thủy sản, nguồn nước sẽ tác động tiêu cực đến hàng chục triệu dân.

 Dòng chảy của Mekong phía hạ nguồn rõ ràng đã bị ảnh hưởng xấu bởi các công trình thủy điện phía thượng nguồn. Mực nước bị tụt xuống thấp, phù sa chuyển xuống hạ nguồn bị chặn lại, nguồn lợi thủy sản nuôi sống cư dân đôi bờ thì cứ ít dần đi. Sản lượng cá nuôi không đủ bù đắp lượng cá tự nhiên bị hủy diệt, bị mai một. Có những loài cá quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị những con đập bê-tông ngăn cản hành trình vượt cạn khi sinh nở theo quy luật tự nhiên. Không chỉ có ảnh hưởng tới trữ lượng cá, mực nước biến đổi sẽ khó mà dự đoán được tình trạng hạn hán, mức độ lũ lụt, gây thiệt hại khó lường trước cho cả cộng đồng phía hạ lưu.

Những khúc sông Mekong phía thượng nguồn đang cạn kiệt như thế này thì nguồn nước cho Biển Hồ của Campuchia, vựa lúa và vựa cá nuôi sống người dân cả xứ sở Chùa Tháp và vùng châu thổ sông Cửu Long rồi đây sẽ ra sao? Hậu quả đã nhãn tiền. Từ năm 2008 đồng bằng sông Cửu Long đã thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng. Mùa mưa lũ từ đó trở về sau lượng nước đã sụt giảm đáng kể chứ không dồi dào như nhiều người lầm tưởng. Vụ lúa 2009, 2010 ở nhiều vùng thuộc hạ lưu sông Cửu Long nông dân phải chạy vạy kiếm nước tưới rất khổ sở. Những vùng duyên hải, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền có những nơi tới gần 100 km. Năm 2010 đồng bằng sông Cửu Long không có mùa nước nổi.

Không chỉ người dân Lào mà cả chính quyền nước Lào hình như vẫn chưa có nhận thức đầy đủ trước hiện tượng Mekong đang ngày một cạn dòng. Chính phủ các nước Lào, Thái Lan và Campuchia đang có kế hoạch xây dựng nhiều công trình thủy điện trên các chi lưu lớn của Mekong. Nếu được thực thi thì hệ thống hồ đập ấy sẽ gây xáo động dòng chảy, ngăn cản các loài cá di cư, tạo ra nguy cơ cho hàng chục triệu người dân nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên lưu vực Mekong.

Lào được đánh giá là bình điện lớn nhất Đông Nam Á. Nam Ngum là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng hoàn tất ngay năm 1971 bằng tiền vay của Ngân hàng Thế giới và nhiều nước khác, trong đó có Mỹ.  Đập Nam Ngum cũng đã đánh dấu một thời điểm lịch sử khi vua Lào Savang Vathana và vua Thái Lan Adubjadej Bhumidol cùng gặp nhau trên một con phà giăng đầy hoa đèn giữa dòng chính sông Mekong “để cùng bấm nút nhấn, cùng một lúc điện và đô-la chảy ngược chiều nhau về hai quốc gia Thái - Lào”. 

Đến năm 2000 Lào có năm nhà máy thủy điện. Nhưng đất nước có nguồn năng lượng lớn nhất Đông Nam Á này vẫn phải mua điện của các nước láng giềng để phục vụ cho các vùng xa, vùng biên giới do địa hình không cho phép xây dựng những đường dây cao áp.

Các cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã lùi xa nhường chỗ cho thời kỳ hợp tác để phát triển. Với Mekong cũng như thế, thời hoang dã, tự nhiên đang lùi dần vào quá khứ. Một thời kỳ mới với những biến đổi lớn đã bắt đầu do chiến lược điện khí hóa phát triển mạnh mẽ đem lại lợi ích cục bộ của nước này nhưng lại phá hoại sự cân bằng môi trường sinh thái của những nước khác. Cuộc sống trước mắt và lâu dài đòi hỏi nỗ lực tăng cường nguồn năng lượng nhưng cũng đặt ra những yêu cầu giảm thiểu biến đổi khí hậu, môi trường. Sự hợp tác quốc tế để cùng bảo vệ và chia sẻ tài nguyên sông Mẹ Mekong sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho các quốc gia liên quan.

Thanh Tùng
;
.
.
.
.
.