.

Chiếu khởi nghĩa của vua Duy Tân

.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ, tháng 5-1916, do Thái Phiên - Trần Cao Vân khởi xướng và lãnh đạo, tác giả Nguyễn Trương Đàn vừa gửi tới Báo Đà Nẵng bài viết, công bố văn bản Chiếu khởi nghĩa của Vua Duy Tân đề ngày 29-4-1916.

Mô tả ảnh.
Con cháu, hậu duệ Thái Phiên – Trần Cao Vân và hậu duệ bà Trương Thị Dương (người có công bí mật di dời hài cốt hai nhà chí sĩ từ bãi chém An Hòa về đồi Từ Hiếu từ năm 1925) đến thăm viếng khu lăng mộ hai nhà chí sĩ ở Huế.

Hiện nay trong Trung tâm lưu trữ Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence ANOM, tại Văn khố Toàn quyền Đông Dương, hồ sơ 9588 nhan đề “Triều đình An Nam. Cuộc mưu loạn ở Huế. Việc chạy trốn và lưu đày vua Duy Tân, 1916”, có tài liệu số 33, là Chiếu chỉ khởi nghĩa của Vua Duy Tân, đề ngày 29 tháng 4 năm 1916. Một Giáo sư người Việt hiện đang ở Pháp có nhã ý cung cấp cho chúng tôi toàn văn bức chiếu được dịch ra Pháp văn. Chúng tôi tạm dịch như sau: 

Thuận theo ý Trời, Trẫm công bố Chiếu chỉ Phục Quốc:
Tình yêu Tổ quốc khiến Trẫm không đội trời chung với kẻ thù; đó là nguyên tắc xử thế trong quá khứ của các vị vua lớn cũng như của các nhà ái quốc anh minh.

 Từ tuổi nhỏ ngồi lên ngai vua, đến nay Trẫm tính đã có mười năm trị vì. Nhìn cảnh đất nước Trẫm thật xiết bao đau buồn, tình thế của vương triều càng đem lại cho Trẫm nỗi thống khổ biết chừng nào. Tấm lòng của Trẫm ưu sầu vì nhân dân đã trải qua những thời gian thử thách nặng nề và hai vị vua đã không trở về.

Mong muốn phục quốc cháy sáng trong tâm can Trẫm, và đối với Trẫm, đã trở thành một lý do để trăn trở, vì Trẫm vẫn chưa tìm thấy một con đường giải quyết thuận lợi. Ý Trời cũng vừa tỏ ra thuận theo mong muốn của Trẫm, đã cổ súy tất cả những người cùng chung nguyện vọng được bộc lộ vào một thời cơ tốt lành. Mọi người đã cùng Trẫm bàn bạc, rồi thảo ra một văn kiện cho lưu hành khắp nơi, nhằm giành lại di sản của tổ tiên Hồng Bàng.

 Sau đây là Cương lĩnh của Trẫm tóm tắt qua những đường lối lớn:
1- Rất coi trọng việc thi hành những nhiệm vụ xã hội, được thể hiện ở nguyên tắc cơ bản về sự trung thành với các vị vua của triều Nguyễn.
2- Tạo dựng một Nhà nước lập hiến với khẩu hiệu “Vì sự hoàn thiện cao nhất trên con đường Văn Minh”.
3- Thiết lập một Hiến chương chính trị liên quan đến Nhà nước lập hiến và những quyền tự do chính trị.
4- (Câu này đề cập sự tôn trọng các tôn giáo hay một giáo phái, không thật rõ) (*).

Mô tả ảnh.
Mẩu tin ngắn của Báo Trung Bắc Tân Văn về ngày giờ hy sinh của hai nhà chí sĩ xứ Quảng, chính xác là 4 giờ rưỡi chiều ngày 16-5-1916, không phải là vào sáng sớm ngày 17-5-1916, như nhiều tài liệu lâu nay vẫn nêu ra.

Mục đích mà Trẫm theo đuổi có tầm quan trọng lớn nhất. Cần biết rằng con người khi bắt tay thực hiện một mưu sự nào, phải có sự phù hộ của Trời Đất để có thể thành công. Vậy thì, khi mà Đấng Chí tôn đã biểu thị sự đồng cảm với con người, chúng ta còn có gì phải do dự nữa? Chính vì vậy, không chút chậm trễ, Trẫm gửi đi Chiếu chỉ này và đặt vào đây Danh dự và Tính mệnh của mình. Trong tất cả mọi việc, Trẫm trao quyền hành động cho Hồng Việt, Hoàng Anh, Thanh Minh và Lam Giang, với sự hợp tác của những người có tấm lòng cao cả trong ba kỳ của Quốc gia Annam, dù họ là quan chức, viên chức, đương nhiệm hay không đương nhiệm, các nho sĩ, thân hào, người bình dân, và tất cả đều vì mục đích theo đuổi là đem lại một kỷ nguyên Văn Minh.

Minh họa trong tập tài liệu của Cơ quan An ninh tối cao thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương dưới nhan đề “ Các hoạt động chống Pháp ở Trung Kỳ từ 1905 - 1918” (“ L’ Agitation Antifrançaise dans les Pays Annamites  de 1905 à 1918”), có một phần nhắc đến Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân.
Minh họa trong tập tài liệu của Cơ quan An ninh tối cao thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương dưới nhan đề “ Các hoạt động chống Pháp ở Trung Kỳ từ 1905 - 1918” (“ L’ Agitation Antifrançaise dans les Pays Annamites  de 1905 à 1918”), có một phần nhắc đến Thái Phiên, Trần Cao Vân và vua Duy Tân.

Ngay sau khi sự nghiệp hoàn thành, tất cả những ai có cống hiến sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng và sẽ trở thành bất tử qua thời gian.

Bất cứ ai cản trở sự nghiệp này sẽ bị truy tố và trừng phạt không tha thứ.
Nay kính báo”. 

Phần cuối của bức Chiếu này có ghi thêm những người nhận để thi hành. Tạm dịch (từ nguyên văn tiếng Pháp):

Chuyển để thi hành:

-  đến đạo nhơn Trần..., tự Hồng Việt - chức vụ và cấp bậc: Cố vấn cao cấp, Tể tướng để phục hưng, phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các vấn đề quân sự.

- đến đạo nhơn Thái..., tự Hoàng Anh, Phó cố vấn cao cấp, Tổng đốc Hoàng Thành, phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế.

- đến đạo nhơn Lâm..., tự Thanh Minh, Thống chế, người bảo vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các công tác quản trị.

- đến đạo nhơn Nguyễn..., tự Lam Giang, Phó Thống chế, Tổng đốc Thành nội và thành phố Kinh đô, phụ trách hành chính.

Hạ chiếu chỉ ngày 27 tháng 3 năm Duy Tân thứ 10.

Về tài liệu lịch sử này, tức là bức chiếu khởi nghĩa đề ngày 29 tháng Tư năm 1916 của vua Duy Tân, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chỉ xin được cung cấp với bạn đọc một sử liệu mà chúng tôi có cơ may có được: Những người được vua Duy Tân “trao quyền hành động trong tất cả mọi việc”, và là những người được tiếp nhận chiếu chỉ của nhà vua để thi hành theo như đoạn cuối của bức chiếu.

Tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix-en-Provence, Pháp, trong Thư khố Toàn quyền Đông Dương, tại hồ sơ 4199, là “Bản báo cáo về tình hình chính trị của Annam” do Le Marchant de Trigon đề ngày 10-7-1916 có đoạn:

(Tạm dịch từ nguyên văn tiếng Pháp)

“Vào đêm 27 tháng Tư 1916 ở làng Miếu Bông - Quảng Nam đã diễn ra một cuộc họp lớn của những người mưu phản. Tại đây đã thông báo chiếu chỉ của nhà vua ra lệnh cho tất cả các quan lại trên ba kỳ nổi dậy, bắt đầu cuộc đấu tranh gọi là “Nghĩa” - của những người trung thành - vào đêm mồng 2 rạng ngày mồng 3 tháng Tư - tức mồng 3 sang 4 tháng Năm. Chiếu chỉ này cũng kèm theo thông báo việc bổ nhiệm bốn quan chức cao cấp:

Trần Cao Vân, cố vấn cao cấp, người bảo vệ Đức Vua, phụ trách công tác quân sự.
Thái Phiên, phụ tá cố vấn cao cấp, phụ trách công tác tài chính và kinh tế;
Lâm Nhĩ, Thống soái.
Nguyễn Siêu, tổng đốc thành nội và kinh đô…”.

Như vậy sử liệu này có thể coi như lời kể lại một chi tiết về đêm trước của sự kiện bùng nổ ở Kinh đô Huế, tức là cuộc khởi nghĩa đêm ngày 3 rạng sáng 4-5-1916. Chi tiết đó đã diễn ra chính ở một làng nhỏ ven thành phố nhượng địa Đà Nẵng lúc bấy giờ: làng Miếu Bông; và những yếu nhân được nhà vua trao mọi quyền hành động, có đến ba người là những người con xứ Quảng: Trần Cao Vân, Thái Phiên, và Lâm Nhĩ.

95 năm sau sự kiện bi hùng diễn ra trên dải đất miền Trung vào tháng 5 năm 1916, và cũng là 95 năm sau ngày hy sinh lẫm liệt của các chí sĩ Thái Phiên-Trần Cao Vân và hàng trăm đồng chí của các ông thời ấy, đọc những sử liệu mới có liên quan đến sứ mệnh của các ông thời đó, chúng ta càng cảm kích, khâm phục và tự hào với những tấm gương bất khuất của các ông - những người con xứ Quảng, xứng danh là các nhà chí sĩ yêu nước.

Nguyễn Trương Đàn

(*) Câu này in nghiêng trong tài liệu, không phải là một câu trong bản gốc, để nói rằng người dịch bản Chiếu chỉ từ tiếng Hán ra tiếng Pháp, vì một lý do nào đó, không có được nguyên văn câu viết ở điểm 4 này.
Người dịch: Nguyễn Chí Tình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

;
.
.
.
.
.