Vừa qua, tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng diễn ra buổi “Gặp gỡ, trao đổi về sáng tác văn học thiếu nhi” và tổ chức Cuộc vận động sáng tác năm 2010-2011 do Dự án “Hỗ trợ văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” tổ chức. Dự án này do Hội nhà văn (HNV) Đan Mạch cùng HNV Hà Nội và NXB Kim Đồng thực hiện. Giai đoạn 1, từ 2006 đến 2010; giai đoạn 2 từ 2011-2015.
Buổi “Gặp gỡ, trao đổi về sáng tác Văn học thiếu nhi” tại Đà Nẵng do Dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” tổ chức. |
Khép lại giai đoạn 1, Dự án đã mang đến cho nền văn học thiếu nhi trong nước ba món quà đặc biệt. Thứ nhất, đó là một phong cách sáng tác chuyên nghiệp, đặc biệt là sự phối hợp giữa họa sĩ và nhà văn xuyên suốt trong quá trình thai nghén, hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thiếu nhi. Món quà thứ hai dành tặng cho bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi, đó là chương trình “Chuyến tàu kể chuyện”. Đây là một hành trình do các nhà văn, họa sĩ của Dự án tổ chức.
Tại mỗi địa phương, chuyến tàu tổ chức giao lưu với thiếu nhi, trao tặng sách. Trong 5 năm, chương trình đã thành lập được 15 CLB đọc sách tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Món quà thứ ba giàu ý nghĩa nhất, là các cuộc thi văn học thiếu nhi, để tìm ra các tác phẩm hay, mới thường xuyên. Điều đáng nói là trong 4 lần tổ chức, thì đến 3 lần chủ đề của các cuộc thi là sáng tác theo phong cách giả tưởng-huyền ảo, dạng sáng tác được bạn đọc nhỏ tuổi hết sức ưa chuộng, hầu hết tác phẩm văn học thiếu nhi dịch trong vòng 10 năm trở lại đây đều là dạng này.
Lễ ra mắt CLB bạn đọc Bông Cúc Trắng tại Đà Nẵng. |
Tại cuộc gặp mặt, nhiều nhà văn bộc bạch những suy nghĩ về đề tài viết cho thiếu nhi. Chị Quế Hương (người đạt Giải khuyến khích trong Giai đoạn 1 của Dự án, đồng thời có nhiều tác phẩm thiếu nhi thành công) chia sẻ: khi ngồi trước trang giấy, cần phải có một tấm lòng trong sáng, giọng văn phải thật gần gũi và tự nhiên, nếu giả tạo thì không thể thu hút các em được.
Nhà văn Thanh Quế, tác giả được ưa chuộng của NXB Kim Đồng nêu rõ, càng lúc ông nhận ra công việc viết cho thiếu nhi càng khó khăn hơn. Đặc biệt, qua cuộc phát động của Dự án, chúng ta càng thêm lo lắng, khi truyện giả tưởng nổi tiếng thế giới đang bành trướng các nhà sách Việt Nam, còn truyện giả tưởng nội địa hoàn toàn vắng bóng. Do đó, người viết cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy sáng tác cũ kỹ, sáo mòn, thiếu hấp dẫn mới theo kịp. Họa sĩ Hoàng Đặng cho rằng, mặc dù Dự án đã được triển khai trong suốt 5 năm qua, cuộc vận động sáng tác năm 2011 chỉ còn thời gian rất ít ỏi là khép lại (nhận tác phẩm từ 19-11-2010 đến 30-6-2011), nhưng cho đến bây giờ “Chuyến tàu kể chuyện” mới ghé qua bến sông Hàn là khá muộn màng. Dù muộn, nhưng anh hy vọng, các tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi tại Đà Nẵng sẽ hưởng ứng nhiệt tình cuộc vận động sáng tác này.
Sáng tác cho thiếu nhi quả là một công việc đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực, kinh nghiệm sống, biết nắm bắt tâm lý - nhu cầu - sở thích của các em. Nhất là hiện nay, phim hoạt hình và tranh truyện nước ngoài tràn lan... không dễ làm cho trẻ em thích đọc những chuyện như chúng ta hình dung và dày công vun đắp.
TRẦN TRUNG SÁNG