.
Chuyện xưa xứ Quảng

Một quan chức thủy binh với 3 tờ lệnh

.
Ba tờ lệnh quý vừa được ông Trần Ngọc Minh (trú tại thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trao cho cơ quan chức năng để gìn giữ và phát huy tác dụng.

Mô tả ảnh.
Ba tờ lệnh này dù đã trải qua trên dưới 180 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn…(Ảnh: AT)
 
Ba tờ lệnh này dù đã trải qua trên dưới 180 năm nhưng may mắn là vẫn còn nguyên vẹn và đặc biệt đã được ông Minh ép plastic bảo vệ. Ba tờ lệnh có kích thước đều nhau, 27cm x 40cm, được viết trên giấy dó, chữ Hán bằng mực xạ màu đen và dấu triện màu đỏ vẫn còn khá rõ nét.

3 tờ lệnh này được cấp cho ông Trần Văn Thống (là cụ tổ sáu đời của ông Trần Ngọc Minh) vào các ngày mùng 5 tháng 2 năm Minh Mạng thứ chín (1828), ngày 12 tháng 4 năm Minh Mạng thứ mười lăm (1834) và ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835). Lệnh cũng ghi rõ ông Trần Văn Thống quê ở xã Phước An Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành).

Ông tòng quân phục vụ trong quân đội triều Nguyễn lâu năm, công vụ khá cáng đáng nên ông được vua Minh Mạng phong làm Chủ tướng thủy quân thống suất quân đội trong đội Phòng vệ thủy binh (gồm có 5 đội). Sau đó, ông tiếp tục được cử làm quyền đội trưởng, rồi được phong làm đội trưởng của Đội thủy binh thứ nhất. Về sau, do lập được nhiều công trạng, công vụ cần mẫn nên ông tiếp tục được phong bổ sung làm Đội trưởng đội Phòng vệ thủy binh, có quyền sai khiến cả 5 đội; rồi được phong làm Võ tướng trung doanh cơ kiêm Quản lãnh thủy quân...

Dưới đây là bản dịch nghĩa bằng chữ quốc ngữ toàn văn của 3 tờ lệnh này:

Tờ lệnh thứ nhất

Thủy quân thống chế năng tài hầu cấp giấy lệnh binh quyền,
 
Căn cứ việc Trần Văn Thống, quê xã Phước An Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam giữ chức Nhất thập ngũ trưởng đội số 5 của nội quân hậu thủy vệ đã đăng danh tòng quân lâu ngày, công việc có thể làm tốt. Nay nhất thập suất thập viên của y đội (tức ngũ đội) còn thiếu người có kinh nghiệm, chánh phó vệ úy xin bổ ông Trần Văn Thống vào chỗ khuyết. Liền theo đó mà cấp giấy đăng danh làm quyền sai đội trưởng của y đội, lãnh đạo 10 binh, theo đội viên phân phối công vụ, phải nên nghiêm khắc tuân theo phép quân, làm việc cần mẫn không được khinh suất.

Nay cấp lệnh. Nội quân hậu thủy vệ ngũ đội quyền sai đội trưởng Trần Văn Thống theo đó mà chấp hành.

Ngày mồng 5 tháng 2 năm Minh Mạng thứ chín (1828)

Tờ lệnh thứ hai

Nội thủy vệ úy chấp chưởng quyền cơ, giữ ấn triện toàn quyền thủy binh, làm theo ý chỉ cấp giấy lệnh. Căn cứ việc đội trưởng quyền sai của đội số 5 thuộc thủy binh hậu thủy vệ Trần Văn Thống quê xã Phước An Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, đăng danh tòng quân, thực sự mẫn cán trong công việc. Nay xin bổ làm Ngoại ủy đội trưởng của hậu thủy vệ, phụng chỉ Nội nhất khoản quân cấp giấy tờ đăng danh làm ngoại ủy đội trưởng của vệ đội, theo lệnh đó mà phụng hành việc cấp giấy lệnh. Trần Văn Thống nhậm chức chỉ huy binh lính y đội (ngũ đội), theo suất đội viên phân phối công vụ hành việc nên phải ra sức cần mẫn đảm việc công, không được khinh suất..

Nay cấp lệnh, ngoại ủy đội trưởng của thủy binh hậu thủy vệ ngũ đội Trần Văn Thống theo đó mà phụng hành.

Ngày 12 tháng 4 năm Minh Mạng thứ mười lăm (1834)

Tờ lệnh thứ ba

Thống chế Trung doanh kiêm giữ ấn triện của thủy binh, tuân chỉ cấp giấy lệnh. Căn cứ việc còn khuyết chức đội trưởng của đội số 5 của tiêu nội hậu thủy vệ, ngày mồng 7 tháng này phụng lệnh trên xin cấp giấy lệnh cho Đội trưởng ngoại ủy của ngoại vệ là Trần Văn Thống thụ chức Đội trưởng của đội đó. Ngày 21 tháng này phụng chỉ theo lệnh tiến hành cấp giấy lệnh cho Trần Văn Thống thụ nhậm chức. Chỉ huy binh lính đội, theo suất đội viên phân phối công vị mà hành việc, phải nên ra sức làm việc cần mẫn đảm việc công không được khinh suất.

Nay cấp lệnh, Tiêu nội hậu thủy vệ ngũ đội ngoại thủy đội trưởng thăng làm y đội đội trưởng, Trần Văn Thống theo đó mà phụng sự.

Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835)

Ba tờ lệnh này phần nào đã cho chúng ta thấy được ý thức về biển của vua Minh Mạng trong việc “coi trọng tăng cường quân bị, xây dựng lực lượng hải quân, có tư tưởng quân sự lấy thủy quân làm trọng…”.  Qua đó còn thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng biển nước ta vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX; đồng thời cũng nói lên được sự chú trọng phát triển lực lượng thủy quân và tầm nhìn chiến lược của triều đình nhà Nguyễn nói chung, vua Minh Mạng nói riêng, trong việc quan tâm đến nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển; cắt cử và chọn người tài giỏi để thành lập những đội phòng vệ thủy quân cáng đáng công việc bảo vệ vùng biển đất nước, giữ yên bờ cõi.

An Trường
;
.
.
.
.
.