.

Công trình nghiên cứu mới nhất về Champa

.

The Cham of Vietnam: History, Society and Art là tập sách do nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cùng GS Bruce Lockhart biên tập vừa được ấn hành bởi NXB NUS Press tại Singapore trong tháng 3 vừa qua. Đây là kỷ yếu của Hội thảo về Champa tổ chức tại Viện Nghiên cứu châu Á (Asia Research Institute/ARI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore năm 2004. Như vậy là sau gần 7 năm chờ đợi, giờ đây, giới chuyên môn và nhiều người quan tâm mới có sách trên tay. Dịp này, nhà nghiên cứu TRẦN KỲ PHƯƠNG (TKP) dành cho ĐNCT cuộc trò chuyện.

 

Mô tả ảnh.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và GS Michael Vickery tại Angkor năm 2009. (Ảnh: T.K.P)

 

+ Trước đó, đã có hai hội nghị quốc tế quan trọng về Champa được tổ chức tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch năm 1986; và Đại học Berkeley, California, Mỹ năm 1990.

Vào khoảng cuối năm 2003, tôi nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại ARI, khi ấy GS Momoki Shiro và GS Geoff Wade cũng đang nghiên cứu tại đây, chúng tôi đã cùng trao đổi với Viện trưởng ARI đương thời là GS Anthony Reid về ý định tổ chức một hội nghị quốc tế về Champa tại ARI.  GS Reid đã nhiệt tình ủng hộ ý định ấy, để rồi hội nghị đã được tổ chức rất thành công tại đây vào tháng 8 năm sau. Tham gia hội nghị này là những chuyên gia nổi tiếng về nhiều ngành học thuật như khảo cổ học, lịch sử, địa-lịch sử, lịch sử nghệ thuật, ngôn ngữ, nhân học, v.v… đến từ nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Cambodia và Việt Nam.

Đặc biệt chúng tôi đã mời được Gs Trần Quốc Vượng tham dự hội nghị này, mặc dầu lúc ấy sức khỏe của GS đã có dấu hiệu không tốt; và dường như, đây cũng là hội nghị quốc tế cuối cùng mà GS đã tham gia trước khi bị ngã bệnh vào đầu năm 2005. Vì vậy, khi bắt tay tổ chức bản thảo công trình này, ít lâu sau khi GS qua đời, GS Bruce Lockhart và tôi đã có nhã ý đề tặng sách này cho cố GS Trần Quốc Vượng để biết ơn những công trình nghiên cứu của GS về Champa trong nhiều năm.

 

Trần Kỳ  Phương: Từng là chuyên viên nghiên cứu tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng từ 1978-1998. Hiện nay ông là nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử nghệ thuật Chàm và Đông Nam Á; và Nghiên cứu Văn hóa Vùng (Cultural Area Studies) miền Trung Việt Nam.
Bruce M. Lockhart: GS của Phân khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore. Ông là chuyên gia về lịch sử Đông Dương gồm Việt Nam, Thái Lan và Lào. 

- So với các tập sách cùng đề tài, quyển sách này có  gì mới lạ  và đáng chú ý, thưa ông?

 

 + Sách chuyên đề về Champa được xuất bản trong khoảng mươi năm trở lại đây không nhiều, ngoại trừ kỷ yếu của hai hội nghị ở Copenhagen và Berkeley là có những nội dung mới. Gần đây, một công trình chuyên về Champa mới được xuất bản, mang tựa đề “Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam)”, do Andrew Hardy, Mauro Cucarzi và Patrizia Zolese đồng biên tập và cũng được NXB NUS Press ấn hành năm 2009. Đây là một công trình tập trung vào những kết quả khai quật và trùng tu tại Mỹ Sơn từ năm 1997-2007 bởi các chuyên gia người Ý. Bên cạnh đó là những nghiên cứu khác về nghệ thuật, lịch sử và nhân học Champa và Chăm cũng bởi các học giả uy tín.

So sánh với công trình trên, sách “The Cham of Vietnam: History, Society and Art” của chúng tôi mang nội dung nghiên cứu khác, tập trung vào những đề tài rộng và sâu hơn khi bàn về vương quốc Champa. Chẳng hạn, những phát hiện mới về khảo cổ học tại Trà Kiệu, Quảng Nam từ năm 1993-2003 đã giúp phác thảo được diện mạo ban đầu của vương quốc Lâm Ấp là tiền thân của [các] vương quốc Chiêm Thành/Champa sau này. Những tư liệu thành văn trong thư tịch cổ của Trung Hoa về Chiêm Thành/Champa cũng được khảo sát lại và được hiểu trong bối cảnh mới của những kết quả về nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á hiện nay; đặt lại vấn đề nghiên cứu lịch sử và lịch sử nghệ thuật Champa trong việc thẩm định lại các công trình của các học giả người Pháp trước đây. Hoặc những nghiên cứu mới về cấu trúc [các] vương quốc Champa theo mô hình “hệ thống trao đổi ven sông”; gốm sứ Champa; và, các nghi lễ táng tục và niên lịch của cộng đồng dân tộc Chăm ở Nam Trung Bộ hiện nay, v.v…

- Tại sao phải mất tới 7 năm,  tập sách mới đủ điều kiện ra mắt công chúng?

  +  NUS Press là một NXB lớn và có uy tín trên thế giới chuyên về sách tham khảo, nên NUS Press đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về việc xét duyệt bản thảo cũng như biên tập cho từng công trình nghiên cứu một. Thông thường, một kỷ yếu hội nghị khoa học, từ khi tổ chức cho tới khi được xuất bản, phải mất từ ba đến bốn năm, nên chúng tôi cho rằng việc chậm trễ thêm vài năm trong việc xuất bản của sách này cũng không có ảnh hưởng gì mang tính thời gian đến nội dung của nó. 

- Quyển sách này sẽ được tiến hành dịch sang tiếng Việt không, thưa ông?

 + Chúng tôi cũng có ý định dịch nó sang tiếng Việt nhưng chắc phải chờ một thời gian nữa, vì tổ chức bản thảo bằng tiếng Việt cũng đòi hỏi tốn nhiều thời gian và kinh phí. Sách nghiên cứu về Champa bằng tiếng Việt hiện nay không nhiều, chủ yếu là công trình của các nhà nghiên cứu Việt Nam, nên bản dịch tiếng Việt của một công trình tổng hợp nghiên cứu của các học giả quốc tế uy tín về nền văn minh Champa sẽ là một đóng góp có ý nghĩa vào ngành Champa học trong nước.

- Ông có thể cho biết công việc của  ông hiện nay? Thời gian sắp tới, ông dự kiến có tham gia công trình nào tương tự hay không?

+ Hiện nay, tôi đang tham gia dự án “Nghiên cứu xa lộ hoàng gia kết nối [các] vương quốc cổ Khmer Angkor và Champa”, đây là một dự án khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật và nhân học-dân tộc học xuyên biên giới tại Campuchia, Lào và Trung Việt Nam được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc ba quốc gia này. Dự án đã được khởi đầu từ năm 2008, những kết quả ban đầu của nó đã được trình bày tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 13 của Hiệp hội Châu Âu về Khảo cổ học Đông Nam Á tại Berlin vào tháng 9 năm 2010. Dự án này góp phần tìm hiểu [các]vương quốc Champa trong một bối cảnh rộng hơn trong mối quan hệ với các vương quốc cổ ở Đông Nam Á lục địa thiên về con đường thương mại trên bộ; và từ đó, cũng góp phần vào việc phát triển văn hóa-du lịch của Dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây của các nước thuộc khối ASEAN.

Ngoài ra, tôi cũng mong ước được tổ chức một hội nghị quốc tế về Champa tại Việt Nam, vì, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tổ chức được một hội nghị khoa học quốc tế nào về chủ đề Champa tại Việt Nam, mặc dầu những thành tựu về ngành Champa học của chúng ta rất phát triển và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhớ.

TRẦN TRUNG SÁNG (thực hiện)

;
.
.
.
.
.