.
Cửa sổ tri thức

Lửa bừng Nhật Tảo

.
* Xin cho biết hai câu đối: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” nghĩa là gì? Quan điểm của quý Báo như thế nào, khi ở vế thứ hai, có một số dị bản ghi là “khốc”, chứ không phải “khấp”? (Trần Văn, Hải Châu, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Tượng Nguyễn Trung Trực, tác giả của hai chiến thắng “Hỏa hồng Nhật Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang”. (Ảnh: Wikipedia)
- Đây là hai câu thơ trích từ bài “Điếu Nguyễn Lịch” (tức Nguyễn Trung Trực) của cụ cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, nguyên tuần phủ Hà Tiên, một nhân sĩ yêu nước đứng về hàng ngũ chống quân Pháp.

Nguyễn Trung Trực (1839-1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ, Việt Nam. Ông thuở nhỏ có tên là Chơn, sau đổi là Lịch (Nguyễn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch), tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực. Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải rời quê nhà Bình Định phiêu bạt vào Nam, định cư ở tỉnh Long An, sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ.

Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.

Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.

Ông nổi tiếng với hai trận đánh được nhắc tới trong bài thơ nói trên.

Trận Nhật Tảo do ông tổ chức tấn công đốt cháy chiếc tiểu hạm Espérance (Hy Vọng) của Pháp, diễn ra vào ngày 10-12-1861 tại vàm Nhật Tảo (hay còn gọi Nhựt Tảo), là nơi giao hội giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhật Tảo, nay thuộc xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Trận đánh úp đồn Kiên Giang diễn ra vào 4 giờ sáng ngày 16-6-1868, ông dẫn quân chiếm đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền. Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh.

Hai chiến công gây nhiều thiệt hại cho Pháp và làm nức lòng nghĩa quân này đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi trong hai câu thơ “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, nghĩa là “Lửa đỏ rực sông Nhật Tảo làm rền trời đất/ Kiếm đánh bật thành Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc”. Tác giả Thái Bạch dịch thơ: “Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/ Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần”.

Vế thứ hai, một số dị bản ghi là “Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần”. Riêng chúng tôi nghiêng về từ khấp hơn. Trong chữ Hán, tuy cả khấp và khốc đều là động từ có nghĩa là khóc, nhưng mỗi từ có một nghĩa riêng.

Khấp  [泣]: Rớt nước mắt mà không ra tiếng khóc hoặc khóc tiếng nhỏ. Từ này đã được Nguyễn Du dùng trong Độc Tiểu Thanh ký: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”  (Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai là người khóc Tố Như).

Khốc [哭]: Khóc thành tiếng.

Khóc rấm rứt, khóc không thành tiếng mới là cái khóc dành cho bậc trượng phu, cho đấng anh hùng mà mình kính ngưỡng.

Nói thêm, do cách phát âm, một số tài liệu, ngay cả Wikipedia, đã ghi vế thứ hai sai thành “Kiếm bạt Kiên Giang khắp quỷ thần”.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.