.
Cửa sổ tri thức

Vè bầu cử Quốc hội

.
 * Tôi được một số vị lão thành đọc cho nghe mấy bài vè về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946 nhưng không biết tin vào ai vì hiện tượng “tam sao thất bản”. Rất mong ĐNCT cung cấp cho bản tương đối chính xác. (Minh Tài, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Cử tri nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946). (Ảnh tư liệu)
 
- Những hình thức văn nghệ dân gian như hò, vè không tránh được chuyện “tam sao thất bản”. Dưới đây, xin giới thiệu hai bài vè do tác giả Phạm Hồng Việt ghi lại trong bài “Ký ức 6-1-1946 ở Quảng Nam” đăng trên Báo Quảng Nam số ra ngày 27-1-2011.

Bài vè ở Quế Sơn: Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè bầu cử/ Ông Tri, ông Thự/ Ông Hiến, bà Thanh/ Cùng là các anh/ Huệ - Bôi - Sạ - Nhĩ/ Tống - Bằng - Thao - Kỷ/ Với lại Viện, Diêu/ Người khác cũng nhiều/ Đầu đơn ứng cử/ Đồng bào xét thử/ Ai đáng ai không/ Trên là các ông/ Nhiều năm tranh đấu…

Bài vè ở Điện Bàn, Duy Xuyên: Tổng tuyển cử nay đã đến rồi/ Vì quyền lợi mấy lời nên ghi/ Trung Bộ có Trần Đình Tri/ Cùng Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/ Phan Bôi một dạ, một lòng/ Cùng Huỳnh Ngọc Huệ vốn dòng đấu tranh/ Cứu tế có chị Phan Thanh/ Có Lâm Quang Thự cùng anh Phạm Bằng/ Trần Tống tuổi trẻ tài năng/ Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/ Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/ Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/ Trần Viện nhiều nỗi gian truân/ Còn Nguyễn Thế Kỷ mười phần quyết tâm/ Đồng bào thận trọng lá thăm/ Lựa người định rõ mà chăm bỏ vào/ Để giành quyền lợi tối cao/ Mới an số phận đồng bào Việt Nam.
 
Con rể có được thờ cha mẹ vợ?

* Cha mẹ đẻ tôi qua đời. Cha mẹ vợ tôi cũng đã mất. Tôi thờ cha mẹ đẻ lẫn cha mẹ vợ trên một bàn thờ chung nhưng người nhà tôi không cho, bảo không được làm thế. Có lẽ đây là phong tục tập quán ngàn xưa để lại. Như vậy có đúng không? Cha mẹ vợ cũng là cha mẹ mình, tại sao lại không được thờ chung với cha mẹ đẻ. Xin ĐNCT cho biết ý kiến. (Xuân Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Theo một số tư liệu mà chúng tôi tra cứu được thì không có “phong tục tập quán ngàn xưa để lại” nào quy định rằng không được thờ chung cả cha mẹ đẻ và cha mẹ vợ trên một bàn thờ. Ngược lại, qua thơ ca dân gian, cho thấy xã hội đã chấp nhận con rể thờ cúng tổ tiên nhà vợ một cách rất có tình có lý:

Phụ mẫu bên anh cũng như phụ mẫu bên nàng/ Lẽ thường anh cũng phải tạc đá bia vàng để thờ chung. (Dị bản: Phụ mẫu em cũng như phụ mẫu chàng/ Hai bên phụ mẫu tạc bốn chữ vàng thờ chung).

Và, rõ hơn ở câu: “Phụ mẫu em không có con trai/ Kiếm nơi rể thảo một mai phụng thờ”.

Những cặp vợ chồng không có con trai, khi tìm chồng cho con gái luôn mong gặp được những chàng rể có tâm tính tốt để có thể nương nhờ về sau. Bởi lẽ, kinh nghiệm dân gian đã đúc kết được rằng, gặp rể hiền là thêm con trai, gặp rể... không hiền là mất con gái.

Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc (http://cema.gov.vn) có nói đến vấn đề đang xét qua cách thờ cúng của một số đồng bào dân tộc.

Dân tộc Bố Y (cư trú tại Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang): “Trên bàn thờ đặt 3 bát hương thờ trời, táo quân và tổ tiên. Dưới gầm bàn thờ đặt một bát hương thờ thổ địa. Nếu bố mẹ vợ chết không có người thờ cúng thì con rể lập bàn thờ nhỏ cạnh cửa để thờ”.

Dân tộc Cờ Lao (cư trú ở tỉnh Hà Giang): “Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở rể. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ”.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.