.

Đà Nẵng thời Tây Sơn

.

“A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793” của John Barrow (xuất bản tại London năm 1806) đã được Nguyễn Thừa Hỷ chuyển Việt ngữ, có tên là “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)” do NXB Thế Giới ấn hành tháng 1-2008. Cochinchina hay Nam Hà, Đàng Trong thường được biết đến đó là phần đất phía Nam, tuy nhiên, trên thực tế phần ghi chép ấy lại là cảng biển Đà Nẵng trong hơn 20 ngày tác giả lưu lại nơi đây.

Mô tả ảnh.
Một cảnh trong vở nhạc kịch của người Nam Hà. (Ảnh trích từ tác phẩm du ký - du khảo của John Barrow).

 

Tác phẩm du ký - du khảo của John Barrow, con người ưa phiêu lưu người Anh, dày 482 trang, gồm nhiều chương, ghi chép đủ thứ chuyện mà ông đã chứng kiến trong một chuyến hành trình trên biển từ phương Tây sang phương Đông, với những tìm tòi, khám phá về những điều kỳ thú ở những vùng đất mới lạ. Tác phẩm miêu tả khá chi tiết về vùng đất và con người ở vịnh Turon (Đà Nẵng) thời Tây Sơn.

Đáng chú ý là phần viết về xứ Cochinchina rất được chú trọng. Tuy chỉ là một phần trong cuốn sách, nhưng lại là một phần rất quan trọng nên John Barrow đã lấy chủ đề này để đặt tên cho cuốn sách (*). Bản văn của John Barrow chủ yếu dựa trên nhật ký của ông và phái đoàn, tài liệu của Stauton cũng như Laurent Barisy. Điều đặc biệt là, qua cuốn sách cho thấy một diện mạo khá thú vị về vùng đất và con người Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Theo ghi chép trong tác phẩm, phái đoàn Anh đến Đà Nẵng một cách không chính thức mà bởi trình trạng “khốn khổ và bệnh tật” trên tàu do bệnh sốt phát ban và kiết lỵ hành hạ lan ra khắp mọi người trên tàu. Họ phải ghé vào Đà Nẵng để tìm kiếm thực phẩm và nước uống. Điều không mong đợi và làm thất vọng lớn đối với họ là vào lúc này, toàn xứ Nam Hà vừa trải qua chiến tranh nên đời sống hết sức khó khăn.

Tuy nhiên tình trạng đã không quá bi đát như lời của thuyền trưởng Bồ Đào Nha Manuel Duomé đã đến trước đó muốn phái đoàn Anh sớm rời Đà Nẵng. Chỉ sau vài ngày lưu lại tại đây, sau khi phá tan những nghi ngại đối với chính quyền và người dân, phái đoàn được đón tiếp chu đáo, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và điều đặc biệt, đây cũng là cơ hội để tác giả J. Barrow, vốn ưa phiêu lưu có dịp khám phá cảng biển này.

Những ghi chép của Barrow, có thể nói là khá chi tiết mà theo cách gọi của ông là “phong tục, tính cách và tình cảm của những người dân bản xứ”. Trên thực tế gần như bất cứ việc gì mà ông nhìn thấy đều được ghi chép với tất cả sự tò mò.

Ông mô tả một buổi tiếp đãi của chính quyền và người dân nơi đây có thể xem là rất hoành tráng và hết sức hào phóng. Thức ăn không chỉ phủ kín mặt bàn mà còn chồng xếp lên nhau thành những dãy, mỗi chồng có đến ba bốn chiếc. “Hiếm khi chúng tôi ngồi trước một đống bát ít hơn 200 cái”.

Người dân nơi đây thì “không dùng khăn trải bàn, dao, nĩa, chai và cốc; nhưng trước mặt mỗi người lại đặt những chiếc thìa bằng gốm, một đôi que nhỏ bằng tre”, đấy là đũa của người Việt.

Người dân mê ca hát, “đào kép bận rộn tham gia biểu diễn mọi lúc, nhiệt tình diễn bất kể là khi có khán giả xem hay không”. Xem hát thì không bao giờ mất tiền vào cửa bởi các diễn viên hoặc đã được thuê biểu diễn trong các cuộc vui tư nhân với thù lao ấn định cả ngày hoặc biểu diễn trong lán rạp dựng tạm và khán giả thay vì vỗ tay hoan nghênh thì ném vào những đồng tiền đồng. Nhìn chung trong mắt phái đoàn, họ cảm thấy “đinh tai nhức óc, choáng váng, khó chịu” khi đi xem hát.

Chợ họp ven làng, nơi những bãi cỏ xanh cũng là nơi vui chơi thể thao, giải trí của đám thanh niên và trẻ con. “Ở một chỗ chúng tôi quan sát thấy hơn chục thanh niên đang chơi đá bóng với một cái bong bóng súc vật, ở nơi khác họ đang trổ tài khéo léo bay qua một chiếc sào ngang, chỗ này một đám người đang chơi chọi gà... Đám trẻ thì chơi chọi chim cút, châu chấu, gieo xúc xắc và thu hút nhất là trò đá cầu”.

Một điều thú vị là trong một lần vui chơi đã có sự va chạm, cãi nhau giữa một thủy thủ với một thanh niên Đà Nẵng và tinh thần dũng cảm của thanh niên này đã hạ đo ván thủy thủ sau một cuộc tỷ thí rất chóng vánh: “Trong khi người thủy thủ còn đang khuỳnh tay, thận trọng thăm dò và tìm điểm chính xác để có thể thoi một quả đấm hạ gục đối thủ, thì người Nam Hà kia, với nụ cười nhạt hiện trên nét mặt, rất điềm tĩnh quay gót chân, hoàn toàn bất ngờ tặng cho anh ta một cú đá thốc thật mạnh vào quai hàm, dõng dạc bỏ đi, để lại anh chàng thủy thủ hoảng hốt giữa tiếng cười hớn hở của đám đông”.

Qua sự mô tả của Barrow, dễ dàng nhận thấy cảnh nghèo khổ, kinh tế biển, nông nghiệp chăn thả, những mê tín dị đoan, thậm chí cả những tệ nạn “móc túi” và sự phóng túng trong quan hệ nam nữ, cả thái độ sợ sệt đối với người ngoại quốc. Bên cạnh đó tác giả không tiếc lời ngợi khen vị trí chiến lược đặc biệt của cảng biển Đà Nẵng và những lợi ích nếu thiết lập được mối quan hệ nơi đây. Chủ đề thú vị này sẽ được đề cập trong các bài viết khác.

LÊ TIẾN CÔNG

(*) Phần viết về Cochinchina từ trang 243 đến tr. 360, gồm 3 chương. Chương 9: Xứ Nam Hà; Chương 10: Phác họa chung về các phong tục, tính cách và tình cảm của những người dân bản xứ ở Turon; Chương 11: Những lợi ích của một sự giao dịch, buôn bán với Nam Hà.

;
.
.
.
.
.