LTS: Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Miền Trung với công cuộc loại bỏ chất độc da cam” do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hãng Thông tấn InfoSud của Thụy Sĩ tổ chức, diễn ra từ ngày 9 đến 20-5 vừa qua, đã thực hiện bản tin bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, phản ánh chân thực về hậu quả của chất độc da cam đối với con người nơi đây. Bài phóng sự sau, là một góc nhìn nhỏ trong bản tin trên.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có trên 1.400 trẻ em nghi nhiễm chất độc dioxin ở thế hệ thứ hai, thứ ba… Con số này có thể chưa dừng lại khi hằng ngày vẫn có thêm nhiều em bé ra đời từ những bố mẹ bị ảnh hưởng chất độc da cam.Đầu mùa hè, cái nóng hừng hực bắt đầu tỏa nhiệt trên mặt đường dẫn vào Hồ Sen, nơi bị nghi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất tại thành phố Đà Nẵng. Trong căn nhà lợp mái tôn thấp bé của bà Nguyễn Thị Thành ở tổ 42, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, cái nóng dường như nóng hơn. Con bà, Trần Thị Lệ Huyền, sinh năm 1983, nằm như một thực thể vô hồn trên chiếc giường gỗ - nơi hai mẹ con vẫn không rời nhau nửa bước suốt 29 năm qua.
Ở tuổi 60, bà Thành phải chăm sóc Huyền từng miếng ăn giấc ngủ; đôi cánh tay đã queo quắt lại vẫn ẵm bế con như thuở mới lọt lòng. Bà Thành vừa đỡ Huyền dậy vừa kể: “Trong nhà chỉ có mình tui mới bế được nó. Người nó cứ ưỡn qua ưỡn lại nên rất khó bế. Chăm nó coi như mất đi một lao động trong nhà.” Nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào chồng bà Thành. Đã ngoài 60 tuổi, bệnh tật nhưng ông vẫn đi làm bảo vệ cho các công trình để kiếm sống. Ai gọi làm gì thì làm nấy.
Ngày nào khỏe mạnh, ông chỉ kiếm nổi 50.000 đồng. Số tiền đó cũng chưa đủ mua tã cho Huyền, nói gì đến việc bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình. Chồng bà Thành từng đi lính ở sân bay Nước Mặn (một sân bay nhỏ của quân đội Mỹ tại thành phố Đà Nẵng). Sau năm 1975, ông lại đi làm rừng hơn 24 năm ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 35km về phía Tây Bắc. Ông cũng không biết là bị nhiễm chất độc dioxin từ lúc nào. Khi mới sinh Huyền, bà Thành cứ khóc hoài nhưng cũng chỉ nghĩ là cái số mình xui nên mới bị trời bắt tội. “Thời gian đó, làm chi mà biết tới chất độc da cam. Rứa là tui sinh tiếp được thêm 2 gái, 1 trai, may mà chúng đều lành lặn” - bà Thành cho biết. “Thế những người con của bà khi lập gia đình, họ có sợ sinh con giống như Huyền không?” - tôi hỏi. Bà nhìn ra phía sân gờn gợn buồn: “Chúng cũng chẳng nghĩ gì cả. Trời cho sao thì đành vậy!”.
“Không dám sinh nữa mô”
Chị Bùi Thị Hồng Oanh ôm đứa con bị bại não và dị tật hai chân trong sự tuyệt vọng. |
Bữa nào khỏe thì anh Hiền đi phụ hồ kiếm 70.000 đồng/ngày về nuôi cả 3 mẹ con chị Oanh và bà nội già yếu mù cả hai mắt. “Sao chị không đi khám thai trước đó để biết trước mà lường?” - tôi hỏi. Như chạm vào nỗi đau, nước mắt chị Oanh lại trào: “Khi siêu âm thì bác sĩ không phát hiện gì cả. Nhưng đến khi sinh ra thì lại bị tật nguyền. Giờ chồng bị ốm, con lại bị bệnh như thế này thì không biết những ngày tới sẽ sống ra sao đây?”. “Vậy sau này chị có muốn sinh thêm em bé nữa không?”. “Cả chị và chồng chị sợ lắm, không dám sinh nữa mô”.
“Nhà em cũng có đứa con như thế này. Vừa mới sinh ra là bị bại não và liệt nằm một chỗ”. Ngồi lẳng lặng bên cạnh chúng tôi suốt một thời gian, chị Lê Thị Kim Cúc, sinh năm 1978, ở tổ 34 phường Hòa Khê, bỗng nói khẽ. Dẫn tôi về tận nhà, chị Kim Cúc ẵm đứa trẻ 4 tuổi, gầy trơ xương áp sát vào người: “Đây là bé thứ 3. Trước khi sinh bé Nguyễn Thị Thanh Thảo, em cũng đã từng mang thai hai lần nhưng cả hai đều bị lưu thai”. Gia đình chị Cúc cũng sống tại khu vực Hồ Sen này từ trước năm 1975 đến giờ. Mọi sinh hoạt ăn uống đều từ hồ. Chỉ mới mấy năm gần đây, người dân ở đây mới biết hồ bị nhiễm dioxin do Trạm Y tế phường Hòa Khê thông báo. “Nhà em không ăn rau, cá từ hồ nữa nhưng những ai không biết thì họ vẫn cứ ăn như thường”. Anh rể chị Cúc, cũng là người dân sống ở vùng này, vừa mới phát hiện ung thư máu cách đây 3 tháng và đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bố mẹ chồng chị Cúc lại mất sức lao động nên cả gia đình chỉ trông chờ vào công việc phụ hồ của chồng chị Cúc.
Ngoài trời, vẫn hừng hực nắng. Liệu còn bao nhiêu ngôi nhà nữa phải chịu cảnh sống khốn khó như gia đình bà Thanh và các chị Oanh, Cúc…?
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của chất độc da cam vẫn đang gặm nhấm và đe dọa đến mạng sống con người. Đến lúc nào chúng ta mới loại bỏ hết chất độc da cam vẫn đang để lại những di chứng cho bao thế hệ người dân quê tôi?