Yêu cầu các lực lượng quân sự và vũ trang tham chiến ở Libya tôn trọng Công ước Hague về bảo tồn các di sản văn hóa thế giới, với ý nguyện này, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đã gửi thư đến những đại diện thường trực UNESCO ở các nước tham gia liên quân quốc tế trong cuộc xung đột ở Libya.
Theo UNESCO, ở Libya có 5 khu vực đã đưa vào danh sách di sản thế giới.
Những bức tranh trên hang động được tìm thấy ở vùng Tadrart Acacus, rặng núi về phía tây Libya, một phần của sa mạc Sahara. Chọn lọc từ nhiều hình ảnh trong sinh hoạt đời sống cổ xưa, tranh vẽ hoặc khắc trên đá những con vật như lạc đà, hươu cao cổ, bò tót, voi, đà điểu châu Phi cùng nhiều hình ảnh khác trong đó có cả hình vẽ về đàn ông và đàn bà.
Hơn một thế kỷ sau khi ông Heinrich Bart (1856) phát hiện và báo cáo về những bức tranh trên vách đá hang động, đến năm 1995 khu vực Tadrart Acacus này được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách “Di sản Văn hóa thế giới” bởi vì các tranh vẽ và khắc trong các hang động nơi đây đã có niên đại từ 12.000 năm TCN và 100 năm SCN. Những tranh trên hang động này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng vào các niên đại đó, chẳng hạn như đời sống xã hội, văn hóa của con người, đa số là chăn dắt và săn bắn động vật và các thông tin về môi trường, khí hậu là những nguồn gốc của các sự thay đổi, biến chuyển qua nhiều thời kỳ khác nhau.
Phố cổ Ghadamès được mệnh danh “Hòn ngọc của sa mạc” nằm giữa các ốc đảo, về phía Tây Nam cách thủ đô Tripoli khoảng gần 500km, là một thị trấn cổ nhất được xây dựng vào thời cổ đại của sa mạc Sahara và nổi tiếng với tập tục định cư truyền thống. Theo lối kiến trúc địa phương, các ngôi nhà quần tụ quanh như xoay trên một vòng tròn. Phần dưới nền đất nhà làm kho chứa vật dụng. Phần bên trên dành cho gia đình, các mái nhà nhô ra ngoài, che phủ các ngõ ngách, lối đi trong phố và trên cùng sân thượng, nơi không khí thoáng đãng thì dành riêng cho phụ nữ. Trải qua bao nhiêu sự thay đổi nhưng nhà cửa ở phố cổ Ghadamès vẫn bảo tồn những phương tiện xây dựng nguyên thủy tường gạch, gỗ, đất sét hay bằng chất liệu lấy từ cây cọ, loài thực vật có dáng như cây dừa thường sống ở vùng sa mạc. Bên trong nhà của phố cổ Ghadamès được trang trí lộng lẫy và trau chuốt những họa tiết và tranh.
Ngoài tranh vẽ ở hang động ở dãy núi Acacus và phố cổ Ghadamès còn có 3 “Di sản Văn hóa thế giới” khác được UNESCO xem như báu vật: 3 di chỉ khảo cổ Sabratha, Cyrene và Lepis Magna.
HOÀNG ĐẶNG