Thực tế đang gặp phải một nghịch lý là trẻ muốn được ăn ngon hơn, đủ chất hơn nhưng các bậc cha mẹ có thu nhập thấp khó lòng đáp ứng.
Bữa ăn trưa của các bé ở Trường mầm non Hướng Dương, quận Cẩm Lệ. |
Chị Bùi Thị Hà ở tổ 6 Thành Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chỉ cho tôi xem mấy con cua biển nhỏ bằng 3 ngón tay chị mới mua để nấu cháo cho bé. Chị bảo cua đồng quá đắt, một con nấu vừa cỡ một tô cháo giá 35-40, trong khi 4-5 con cua biển nhỏ nhưng giá chưa đến 25 nghìn, cũng đủ chất cho tô cháo.
Với đồng lương công nhân thủy sản gần 2 triệu/tháng, cộng với tiền công lao động tự do của chồng, chị Hà cũng như bao nhiêu bà mẹ khác đã nghĩ đủ cách tằn tiện để có thể bảo đảm đủ chất cho trẻ. Gọi là đủ chất nhưng hai đứa con của chị Hà cũng vào diện thấp bé, nhẹ cân so với những đứa trẻ cùng tuổi ở trường mẫu giáo. Chị Hà cho biết hầu như mấy đứa trẻ con ở khu vực này lúc nhỏ đều được ba mẹ gửi ở nhóm trẻ gia đình. Cả ngày các cháu ăn cháo xay nhuyễn do người giữ trẻ nấu, chất lượng của bát cháo thế nào, có đủ chất, đủ thành phần dinh dưỡng hay không, không thể nắm chắc được. Nên nhiều bé lúc nhỏ mập mạp, đến lúc đi gửi trẻ lại chậm lớn là chuyện thường.
Câu chuyện của chị Hà cũng là điều đáng lo ngại của các bà mẹ gửi con ở nhóm trẻ, không có thời gian theo sát chất lượng bữa ăn của con, khiến nhiều bé dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Một nghiên cứu về theo dõi chiều sâu và sự phát triển trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi của Viện Dinh dưỡng trên 218 trẻ ở Hà Nội đã chỉ ra mức tăng cân của trẻ em trong 3 tháng đầu không khác gì với tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí còn cao hơn, nhưng sau đó kém dần. Có 2 thời kỳ sự thua kém biểu hiện cao nhất từ 6 - 12 tháng và 6 - 11 tuổi (lứa tuổi tiểu học).
Ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, chất lượng bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng của các bé được đặc biệt coi trọng. Theo kết quả theo dõi sức khỏe của các bé vào đầu năm học 2010-2011 ở Trường mầm non 29-3, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu thì tình trạng suy dinh dưỡng vừa khi mới vào trường là 4/305 trẻ. Sau 4-5 tháng nuôi dưỡng, kết quả cân đo cuối học kỳ 1 còn 1 bé suy dinh dưỡng vừa và kết quả cân đo cuối năm là trường đã xóa tình trạng suy dinh dưỡng. Nhà trường phải bảo đảm năng lượng cho nhóm bé nhà trẻ là 708-826Kcal/ngày; năng lượng cho nhóm trẻ mẫu giáo là 735-882Kcal/ngày. Bà Võ Thị Mỹ Diệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có bảng thông tin thực đơn hằng ngày cho trẻ của trường giúp phụ huynh có thể theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn bữa tối khi trẻ rời trường về nhà. Nhà trường còn thực hiện chế độ ăn riêng cho trẻ béo phì, nhưng tỷ lệ này chưa giảm được do một số phụ huynh chưa hợp tác, cho con ăn thoải mái vào bữa tối và ngày nghỉ.
Bà Trịnh Thị Thu Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương, quận Cẩm Lệ nói: Hiện số trẻ 5 tuổi của trường thừa chuẩn trong chiều cao, cân nặng và kỹ năng vận động so với bảng tiêu chuẩn của trẻ trong độ tuổi.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, phường có gần 3.000 bà mẹ ở nhà nội trợ hoặc việc làm không ổn định trong tổng số hơn 4.200 phụ nữ trong độ tuổi làm mẹ. 4 năm nay các chi hội phụ nữ của phường duy trì tổ chức bếp ăn dinh dưỡng kiểu mẫu cho các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ. Giá thực phẩm hiện nay quá cao cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng bữa ăn của trẻ. Trong khi nhu cầu dinh dưỡng khi trẻ lớn lại cần nhiều hơn, mà thu nhập của cha mẹ các em còn thấp.
Đây là thực tế khiến nhiều lớp thanh niên hiện nay có chiều cao, cân nặng, sức bền… còn khiêm tốn. Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thua kém 10,7cm so với chuẩn quốc tế.
Hiền Lương