.
Giới thiệu sách

“Hàng mã ký ức” một câu chuyện khác về Chăm

.
Sau Chân dung Cát (NXB Hội Nhà văn, 2006), nhà văn Inrasara vừa cho ra mắt Hàng mã ký ức (*), cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh.
 
Mô tả ảnh.
Thử lướt qua tên vài chương trong 12 chương tiểu thuyết: Cha, mẹ, anh chị em và con sông quê hương; Những đứa con của đất và cuộc trần gian; Tinh thần “tùy tiện” Chăm và thông điệp Glơng Anak; Chăm - đau khổ, kiêu hãnh và bí ẩn… để thấy tất cả như tác phẩm nghiên cứu, như một tự thuật. Như chính tác giả đã viết ở phần "Vào truyện": "Như câu chuyện tôi sắp kể ra đây, cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc - từ vùng tù mù hay ngỡ sáng rỡ của kí ức tôi. Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!? Nhưng tôi vẫn cứ tin nó thật. Thật mà chưa hẳn đúng thật. Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất. Và đây là câu chuyện của tôi".

Có thể nói, ngoài "tôi" (Inrasara) là nhân vật chính hiện diện xuyên suốt tác phẩm, còn có các nhân vật "phụ" khác là: cha mẹ, anh chị em và bằng hữu của anh, tháp Chăm, ngôn ngữ và văn học Chăm, Ma Hời, múa Chăm và ngôi trường Chăm… với đầy đủ trích dẫn cẩn trọng như một công trình nghiên cứu vậy. Nhưng Inrasara lại gọi nó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết viết theo kiểu mới - kiểu Inrasara.

Nghĩa là tinh thần Chăm và con người Chăm khúc xạ qua cái nhìn và ngôn ngữ của Inrasara. Linh hoạt, đầy biến động và hấp dẫn.

Nhưng tại sao lại là "hàng mã" kí ức?

Hãy nghe tác giả lý giải: Lịch sử bất di bất dịch, không ít người nghĩ thế. Nhưng lịch sử không là quá khứ mà là câu chuyện bất toàn về quá khứ. Nên nó luôn luôn được viết lại. Bất toàn và được viết lại mãi mãi.

Hạn chế về kiến thức, về tầm nhìn… nên không ai có thể thấy toàn cảnh một sự kiện thật. Giả dụ cả khi ta nhìn được toàn cảnh hết sự kiện "thật" đi chăng nữa, ta vẫn không tránh khỏi sự chọn lựa và lý giải đầy chủ quan các sự kiện giữa mênh mông sự kiện thật kia qua định kiến của ta, nhân sinh quan hay phương pháp luận của ta, lợi ích cá nhân hay của cộng đồng ta… Cuối cùng, ta còn diễn đạt các sự kiện đã được chọn lựa kia qua hạn chế ngôn ngữ của ta.

Nhưng lẽ nào sống mà không "kể lại"?

Thời hậu hiện đại, con người đã nghĩ khác, đã tin/ không tin khác. Con người không tham vọng bao quát cả thế giới nữa mà nhấn vào các chuyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong hoàn cảnh cụ thể; nó không đòi hỏi ở đó một chân lý phổ quát, ổn định và đòi hỏi tất cả mọi người tin vào nó. Hậu hiện đại đòi hỏi ta tiếp nhận các "sự thật" này với con mắt mở lớn. Của một nhân loại đã trưởng thành.

Tiểu thuyết Hàng mã ký ức muốn thử kể câu chuyện khác về Chăm, theo tinh thần đó. Nên nó không là hồi ký, hồi ức mà chỉ có thể là hàng mã của ký ức. Một tiểu thuyết đúng nghĩa.

Qua Hàng mã ký ức, ta nghe được các mẩu chuyện đầy xúc động của đứa con Chăm nghèo sống trong làng quê nghèo ở một vùng đất nắng nóng nhất nước, đã lớn lên, học tập và trở thành nhà văn như thế nào; phát kiến được tinh thần "tùy tiện" và "giải sân hận" của truyền thống văn hóa và con người Chăm; triết lý sáng tạo của Chăm; và nhất là tâm hồn các thế hệ cộng đồng Chăm rất cụ thể qua cái nhìn sắc bén dưới ngòi bút linh hoạt và đầy quyến rũ của Inrasara.

Trà Chân
(* ) Sách dày 372 trang, do NXB Văn học và Công ty TNHH Sách Phương Nam in và phát hành đầu tháng 5-2011.
;
.
.
.
.
.