Với một số người, làm Tổng phụ trách (TPT) Đội có thể là trách nhiệm nhưng với những ai đã tâm huyết, gắn bó thì đó là một phần cuộc sống của mình.
Bước qua tuổi 50, cô giáo Trần Thị Kim Liên, Trường tiểu học (TH) Tây Hồ đã có thâm niên gần 30 năm làm TPT Đội. Nhìn người TPT tay xách, nách mang những vật dụng lỉnh kỉnh, dẫn đám học trò dự hội thi này, hội trại kia, rồi đứng điều hành trò chơi giữa vòng tay các cô cậu học trò quàng khăn đỏ, hẳn ai cũng thấy rằng, chị phải có một tình yêu lớn lao dành cho học trò mới làm được điều như thế. Đồng nghiệp trẻ học ở chị kinh nghiệm, chị học ở họ sự tự tin, năng động và khả năng nắm bắt tâm lý học sinh hiện nay.
Công việc TPT Đội đòi hỏi phải có năng khiếu, vất vả và chiếm nhiều thời gian. Với những ai chưa từng học qua các lớp đào tạo về công tác Đội, nỗi lo lắng không chỉ dừng lại ở đó. Xuất phát điểm của cô giáo Trần Thị Kim Hạnh, TPT Đội Trường TH Lê Lai là giáo viên tiếng Anh, nên khi nhà trường phân công làm TPT, chị không khỏi băn khoăn. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, ngoài những buổi tập huấn ít ỏi, chị phải tự mày mò đọc sách, học hỏi đồng nghiệp từ những điều căn bản nhất như nghi thức chào cờ, nghi thức Đội, xây dựng chương trình cho thiếu nhi đến tổ chức trò chơi, hát múa tập thể... Chị chia sẻ: “Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì rất khó làm công tác Đội, bởi ngoài chuyên môn, TPT Đội còn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, trong khi nguồn thu nhập không bảo đảm, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí eo hẹp… Tôi chỉ lo đến một lúc nào đó, nhiệt huyết trong mình mất đi thì rất khó làm tốt công tác này”.
Thông tư liên tịch số 23/TTLT quy định độ tuổi của giáo viên làm TPT là từ 18-35 tuổi. Tuy nhiên, một số trường hiện nay do không có đội ngũ trẻ kế thừa, nên công việc TPT vẫn phải nhờ đến những người lớn tuổi, dựa vào thâm niên công tác. Cũng theo chị Kim Liên, cái khó của TPT lớn tuổi là làm sao giữ cho lòng luôn nhiệt huyết. Học sinh bây giờ không giống thế hệ các chị ngày xưa, muốn nắm bắt được nhu cầu của các em, chị phải hiểu được tâm lý, tình cảm, ngôn ngữ cũng như học cả cách nói chuyện.
Truyền lửa đam mê
Trách nhiệm của người TPT không chỉ gói gọn trong việc chuyển tải đến học sinh nghi thức chào cờ, nghi thức Đội hay tổ chức các trò chơi, hát múa tập thể mà còn dạy cho các em biết yêu thương lẫn nhau, tham gia công tác xã hội, rèn đức luyện tài ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Chị Phan Thị Thúy Linh, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố chia sẻ: “Học sinh hiện nay thích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa chứ không chỉ đơn thuần là ngồi nghe những bài giảng về đạo đức, lối sống… Vì vậy, cần vượt qua tính hình thức, đối phó. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi để giáo dục về lối sống đẹp cũng như tạo sân chơi lành mạnh cho các em”. Chẳng hạn, cô giáo Lê Thị Kim Oanh, TPT Đội Trường TH Hòa Phước 1 cho rằng, tâm lý của học trò là thích được cô giáo khen mỗi khi làm được việc tốt. Nếu bạn nào nhặt được của rơi đem trả, đều được nhà trường tuyên dương trong các buổi chào cờ đầu tuần, từ đó khuyến khích các em thực hiện tốt phong trào “Nhặt của rơi đem trả”.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của người TPT là truyền ngọn lửa đam mê cho học sinh trong những sinh hoạt thuộc về kỹ năng, lối sống. Em Cao Mai Hậu, học sinh lớp 5/1 Trường TH Hoàng Văn Thụ, người đoạt giải nhì hội thi “Phụ trách Sao giỏi-Sao nhi đồng chăm ngoan” tháng 4 vừa qua hồ hởi: “Ngoài những giờ học, em rất thích những chương trình ngoại khóa, nó giúp các bạn trong lớp gắn kết với nhau hơn; từng ngày cố gắng thực hiện những lời dạy của Bác Hồ để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi”.
Gần 30 năm làm TPT, cô giáo Kim Liên đúc kết rằng: “Ngoài năng khiếu, người TPT phải là một người yêu trẻ, biết lắng nghe, chia sẻ với học trò để dạy các em phân biệt được điều tốt, xấu trong cuộc sống. Với một số người, làm TPT Đội có thể là trách nhiệm nhưng với những ai đã tâm huyết, gắn bó thì đó là một phần cuộc sống của mình…”.
Tiểu Yến