.

Giúp mẹ nuôi, dạy con tốt

.

Ở thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang được chọn triển khai thí điểm Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” (giai đoạn 2010-2015). Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, nhìn chung, đây là một đề án lớn được xây dựng chủ yếu từ nhiệm vụ 4 “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và mô hình giáo dục “Kiến thức mẹ - Sức khỏe con” mà các cấp Hội đã triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.

Mô tả ảnh.
Nếu phụ nữ có kiến thức tốt, sẽ nuôi, dạy con có chất lượng cả về thể chất lẫn trí tuệ.

 

Mục tiêu cho mẹ và con

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến, nhận xét rằng, so với những nội dung cơ bản của nhiệm vụ 4 (một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm do Trung ương Hội đề ra), Đề án đưa ra những chỉ tiêu cụ thể hơn. Ví như việc các bà mẹ có con dưới 16 tuổi được chia thành 3 nhóm: từ 0-5 tuổi, từ 6-10 tuổi và từ 11-16 tuổi. Từ đó, đưa ra kế hoạch tuyên truyền, giáo dục các bà mẹ cụ thể theo từng nhóm riêng rẽ, không chung chung như trước.

Xã Hòa Tiến hiện có 2.607 bà mẹ có con dưới 16 tuổi, trong đó, chiếm phần lớn là nhóm bà mẹ có con từ 11 đến 16 tuổi với 1.031 người. Con số này được cho là khá chính xác, được khảo sát ngay cơ sở bởi 28 cộng tác viên dân số (cũng là cán bộ phụ nữ) ở 11 thôn trong xã. Chính các “cán bộ 2 trong 1” này cũng là những người trao đổi kiến thức về nuôi, dạy trẻ cho các bà mẹ ở từng nhóm tuổi, như đôn đốc, nhắc nhở các bà mẹ có con từ 0-5 tuổi đưa bé đi nhỏ vitamin, chống suy dinh dưỡng (bà mẹ mang thai, được quy ước là có con 0 tuổi, thì đi khám thai định kỳ); nhắc nhở bà mẹ có con từ 6-10 tuổi đưa con ra lớp.

Đặc biệt, với nhóm bà mẹ có con từ 11-16 tuổi, lứa tuổi hình thành nhân cách, cần có một sự liên kết giữa gia đình và xã hội để các bà mẹ có thể nuôi, dạy con tốt trong độ tuổi nhạy cảm này.

Bà Nguyễn Thị Hiệp nhìn nhận phụ nữ nông thôn hiện vẫn không được mấy người biết “vô mạng” tìm hiểu kiến thức để biết cách thầm thì với con cái, nhất là các bé gái, những chuyện “tế nhị” trong lứa tuổi vị thành niên. Vì thế, vẫn theo bà Hiệp,  các ngành chuyên môn cũng phải “bắt tay” với Hội để trang bị cho chị em  kỹ năng đó. Phụ nữ ngày nay, ngoài đức tính (công -dung-ngôn-hạnh) truyền thống còn phải biết kiến thức về nhiều lĩnh vực khác để tự tin hơn trong cuộc sống, bắt kịp đà tiến bộ của xã hội.

Triển khai cả chiều dọc lẫn chiều ngang

Đối tượng trực tiếp của Đề án chính là các bà mẹ có con dưới 16 tuổi và bản thân trẻ em. Đối tượng gián tiếp, ngoài các thành viên gia đình có con trong độ tuổi này; cán bộ, hội viên phụ nữ, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, người dân trong cộng đồng, còn có các ông bố có con trong độ tuổi.

Nam giới tham gia vào Đề án, nhưng chỉ một mình Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo xuống ngành dọc của mình thì rất khó triển khai thực hiện. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Hòa Vang cho rằng, nam giới, cụ thể là các ông chồng đóng vai trò quan trọng trong bình đẳng giới. Hiện huyện chỉ đạo gắn việc thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU ngày 20-10-2009 của Thành ủy Đà Nẵng về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố với việc phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình; các ông chồng là cán bộ, đảng viên phải tạo điều kiện cho vợ con mình để làm gương.

Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã Hòa Tiến, cho biết, ngoài cách phân nhóm độ tuổi theo Đề án, Hòa Tiến sẽ phân các bà mẹ có con dưới 16 tuổi theo cách riêng của... Hòa Tiến: Nhóm giáo viên, cán bộ, đảng viên; nhóm có chồng làm các ngành nghề đặc biệt... để có hình thức tuyên truyền hiệu quả theo từng nhóm. Ngoài ra, xã sẽ mời các chuyên gia về y tế, dân số, tâm lý giáo dục về nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng.

Bà Hiệp thì đề nghị cần có một “liên kết ngang” với các hội, đoàn thể khác như Nông dân, Thanh niên, Cựu chiến binh, LĐ-TB&XH, kể cả ngành truyền thanh, ngành VH-TT. Hiện trên Đài Truyền thanh huyện có chuyên mục “Phụ nữ và Cuộc sống”, sắp tới sẽ mở chuyên mục mới liên quan đến Đề án này. Trước mắt, theo bà Hiệp, Ban Điều hành Đề án Trung ương cần sớm đưa ra những hình thức tuyên truyền, giáo dục trực quan đối với đề án như hình ảnh, tờ rơi mang tính pháp lý để giúp cho các cấp Hội triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

* Ngày 19-5-2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 704/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt (giai đoạn 2010-2015). Mục tiêu của Đề án là giúp 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, hạn chế tình trạng trẻ em ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan chủ trì tổ chức, kiểm tra các hoạt động của Đề án.

* Triển khai thực hiện Đề án, Hội LHPN phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tổ chức 45 điểm thực hành bếp ăn dinh dưỡng và tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con cho 730 bà mẹ mang thai và bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi. Hội LHPN 11 xã trên địa bàn phối hợp với Ban Dân số tổ chức tốt 2 đợt truyền thông dân số tại 118 thôn (đạt 104% chỉ tiêu giao). Mục đích của các hoạt động này nhằm tư vấn kiến thức mẹ - sức khỏe con, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức làm mẹ an toàn, phòng chống HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cách nuôi dạy con cái.

 

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.