.
Hồ sơ tên đường: Đường Hoàng Diệu

… Đến bậc trung liệt xứ Quảng (Phần cuối)

.
Sau năm 1955, đường phố mang tên người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Đỗ Hữu Vị đã được đổi thành đường Hoàng Diệu - vị Tổng đốc người Quảng Nam đã chết lẫm liệt giữa thành Hà Nội.

Mô tả ảnh.
Lăng mộ Hoàng Diệu đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. (Ảnh: panoramio.com).
 
Đó là ngày 25-4-1882, ngày mà Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, buộc ông  phải giao nộp thành Hà Nội, giải giới quân đội. Ông chưa kịp trả lời thì Rivière đã mở cuộc tấn công với lực lượng hùng hậu. Ông chỉ huy quân dân kháng cự quyết liệt. Đúng lúc đó, kho thuốc súng của Hà Nội nổ tung gây nên đám cháy lớn làm cho lòng quân hoang mang. Quân Pháp thừa cơ phá được cổng Tây ùa vào thành. Các quan dưới trướng Tổng đốc kẻ bỏ thành mà chạy, kẻ trốn trong hành cung.

Trước tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống giặc. Cảnh hào hùng này còn được nhắc trong Hà Thành chính khí ca: “Lửa phun súng phát tứ bề/ Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu/ Bắn ra thôi chết đã nhiều/ Phố phường nghe thấy tiếng reo ầm ầm/ Quan quân đắc chí bình tâm/ Cửa đông thành bắc vẫn cầm vững binh/ Chém cha cái lũ hôi tanh/ Phen này quét sạch sành sanh mới là…”.

Mô tả ảnh.
Đền Trung Liệt ở gò Đống Đa thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, hai vị Tổng đốc lẫm liệt chết khi thành Hà Nội thất thủ. (Ảnh: V.T.L)
 
Cuối cùng, sau khi ra lệnh cho tướng sĩ giải tán để tránh thương vong, ông một mình vào hành cung, cắn ngón tay lấy máu viết Di biểu rồi ra trước Võ Miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.

9 năm trước đó, thành Hà Nội đã thất thủ lần thứ nhất sau khi quân Pháp bất ngờ đánh úp, vị tướng trấn giữ lúc này là Nguyễn Tri Phương bị thương, tuyệt thực mà chết. Sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai, sĩ phu nơi đây đã sáng tác nhiều điếu văn, câu đối, thơ ca bày tỏ lòng cảm phục, sự thương tiếc đối với cái chết bất tử của hai vị đại thần, trong đó nổi tiếng hơn hết là Hà Thành chính khí ca. Hai vị được thờ trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa, Hà Nội, với câu đối: Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên. (Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất/ Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh).

Hơn một tháng sau khi Hoàng Diệu mất, gia đình đã đưa thi hài ông về an táng ở quê ông, làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trên lăng mộ ông còn ghi lại câu đối của Tôn Thất Thuyết viếng ông ngày xưa, ca ngợi cái chết lẫm liệt của người con Quảng Nam giữa thành Hà Nội: Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm. (Cái chết lẫy lừng, từ trước anh hùng nào muốn thế/ Cả đời trung nghĩa, đang cơn đại nạn há ngơ sao).

Ở Đà Nẵng, con đường mang tên ông dài 1.980m, rộng 10,5m, nối đường Phan Châu Trinh tại ngã năm đến đường Duy Tân, trong đó có 450m nối dài thêm qua khu vực chợ Mới theo Nghị quyết của HĐND thành phố ngày 10-7-1999 về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.