.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh

Người phụ trách Đội

.
Nhiều người trẻ hiện nay chịu làm Tổng phụ trách (TPT) Đội, chịu lăn xả vào với công việc này là một việc đáng ghi nhận. Xem chừng là một nghịch lý, nhưng đấy là sự thật trong việc xây dựng đội ngũ TPT - những người dẫn dắt hoạt động cho đội viên thiếu niên trong nhà trường hiện nay.

Mô tả ảnh.
 
Chị Phan Thị Thúy Linh, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố nhìn nhận như vậy. Bởi, công việc của TPT rất nhiều, tổ chức và tham gia hầu hết các hoạt động ngoài giờ trong trường tiểu học và THCS; trong khi thu nhập thuộc vào hàng thấp, nên chưa trở thành nguồn động viên thực sự cho họ lăn xả với công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số trường cũng như đa số phụ huynh chỉ muốn đầu tư cho việc “học chữ” mà dường như quên mất khái niệm “học làm người” nhằm rèn luyện các kỹ năng thích ứng với cuộc sống ở tuổi thiếu niên. Chính vì vậy, việc đầu tư cho hoạt động của Đội ít được quan tâm một cách thích đáng cũng như không nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình từ các bậc phụ huynh. Điều này càng gây thêm khó khăn cho đội ngũ TPT Đội, do họ phải linh hoạt trong việc sắp xếp thời gian hoạt động ngoài giờ, vận động phụ huynh ủng hộ, tính toán hợp lý trong khoản kinh phí eo hẹp...

Trong khi đó, cũng tồn tại một nghịch lý nữa trong đội ngũ TPT Đội, mà theo ý kiến của những người lâu năm trong công tác này nhìn nhận, đó chính là việc tuyển dụng và giải quyết “đầu ra” cho TPT. Với yêu cầu công việc, đòi hỏi cần tuyển dụng những người được đào tạo bài bản về công tác Đoàn-Đội ở các trường sư phạm đảm nhận vai trò TPT. Thế nhưng, thách thức lớn là không biết giải quyết công việc cho họ sau thời gian làm công tác này như thế nào; bởi công việc như “con mọn” của TPT nên dường như họ không có điều kiện, thời gian dành cho học tập, nâng cao trình độ chuyên môn khác trong khi đặc thù của TPT Đội có “tuổi thọ” ngắn. Bên cạnh đó, theo chị Phan Thị Thúy Linh, hiện nay có chính sách cho các TPT Đội được sắp xếp giảng dạy chuyên môn, nên các trường có điều kiện tuyển dụng những giáo viên ở các bộ môn để đảm nhận vai trò TPT Đội. Vì vậy, đội ngũ TPT “tay ngang” này cần được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên để họ đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc.

Một mô hình trong tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ TPT Đội mà theo chị Ngô Thị Thanh Hà (cán bộ Hội đồng Đội thành phố) cho biết đang phát huy hiệu quả, đó là Câu lạc bộ “Khăn quàng tình nguyện”. Được thành lập vào tháng 5-2010, Câu lạc bộ này tập hợp 45 cán bộ Đội là đội ngũ TPT Đội cũng như cán bộ Đoàn-Đội ở thành phố và quận, huyện; là những người có kinh nghiệm, kỹ năng công tác tốt và nhiệt tình để định kỳ hằng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt, huấn luyện kỹ năng cho TPT Đội ở các trường. Đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức các mô hình như “Rèn luyện đội viên” ở quận Sơn Trà; “Nhật ký làm theo lời Bác”,  “Sinh hoạt Chi đội” ở quận Liên Chiểu; “Sao Nhi đồng” (quận Thanh Khê); tập huấn Ban Chỉ huy Liên đội toàn thành phố...

Bên cạnh mô hình mới mẻ này, chị Phan Thị Thúy Linh cho biết, nhiều hoạt động thường xuyên được tổ chức dành cho TPT Đội như: Hội thi “Phụ trách tài năng”; triển khai chương trình “Rèn luyện phụ trách”; tập huấn hằng năm ở cấp thành phố và hằng tháng ở cấp quận, huyện... cũng đã góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho TPT Đội-những người không thể thiếu trong vai trò dẫn dắt hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh. 

Anh Quân
;
.
.
.
.
.