Khoảng 10 năm trở lại đây, thầy và trò Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trình làng những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) về tiết kiệm năng lượng (TKNL). Tuy nhiên, với chuyên môn chính là dạy và học, họ không có đủ điều kiện để phổ biến rộng rãi những công trình nghiên cứu.
Công trình NCKH “Thiết kế xe năng lượng SC4” của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT trao giải nhất Sinh viên NCKH 2010. |
Từ những công trình cũ…
Một thời người dân Đà Nẵng kháo nhau về chiếc Dream chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (gas) của GS-TS KH Bùi Văn Ga. Ông là tác giả của công trình NCKH cấp Nhà nước “Chuyển đổi xe gắn máy chạy xăng sang chạy bằng gas”, đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 3692. Tác giả từng cho biết, việc thử nghiệm đã hoàn chỉnh bộ phụ kiện GA 5 (gồm bình nhiên liệu “hai trong một” chứa 0,9kg gas và 1,5 lít xăng; cụm van nạp - xả - an toàn; van giãn nở; van không tải và vòi phun không tải lắp sau bướm ga; van gia tốc và vòi phun chính có chức năng chuyển đổi chạy hai nhiên liệu xăng và gas) trên cùng một chiếc xe. Bộ phụ kiện này không phức tạp và có thể sản xuất được trong nước. Khi lắp đặt, mẫu mã và kết cấu xe không thay đổi...
Ngoài ra, ưu điểm của nó là chỉ tiêu thụ khoảng 1kg gas cho 120km đường trường hoặc 100km khi chạy trong thành phố, tiết kiệm chi phí khoảng gần 50%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, chiếc xe máy chạy bằng gas vẫn chưa thấy xuất hiện trên thị trường như kỳ vọng của người dân cũng như của chính tác giả.
Hay việc hàng trăm hộ dân ở khối phố Bình Kỳ 2, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn gần 3 năm nay sử dụng bếp năng lượng mặt trời (NLMT) đã chứng minh một thực tế, khả năng ứng dụng là rất lớn bởi công nghệ phù hợp, có thể ứng dụng đến từng hộ gia đình. Với tuổi thọ trung bình trên 15 năm, giá thành 850.000 đồng (bếp hình hộp) và 1.500.000 đồng (bếp hình parabol) thì việc sử dụng loại bếp này sẽ giúp người dân tiết kiệm 100.000 - 200.000 đồng tiền chất đốt mỗi tháng. Đây là kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị NLMT tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi thành phố Đà Nẵng” của PGS. TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị NLMT tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi thành phố Đà Nẵng. Toàn bộ kinh phí dự án do Tổ chức Phục vụ NLMT Solar Serve và Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng tài trợ từ cuối năm 2007.
… đến công trình mới
Năm 2010, đề tài cấp Nhà nước “Sử dụng biogas để chạy máy phát điện - một giải pháp tiết kiệm năng lượng” của PGS.TS Trần Thanh Hải Tùng, Phó ban KHCN & Môi trường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng được triển khai ở nhiều địa phương. Tác giả đã sử dụng công nghệ GATEC để chuyển động cơ chạy bằng xăng sang biogas. Khi hết biogas, máy có thể chuyển sang chạy bằng xăng, dầu bình thường. Ngoài việc phát điện, các động cơ dùng biogas có thể làm nguồn động lực để kéo máy cày, máy bơm nước… Theo ông Tùng, phí đầu phụ kiện lắp cho một máy phát chạy xăng chuyển sang dùng biogas công suất từ 1-5 kVA là 5,5 triệu đồng, khả năng thu hồi vốn 5 tháng (với máy phát công suất 5 kVA, hoạt động trong 6 giờ/ngày). Chi phí bộ phụ kiện lắp cho một máy phát chạy diesel chuyển sang dùng diesel/biogas công suất 1-30kVA là 6,5 triệu đồng, khả năng thu hồi vốn 2,5 tháng (với máy phát công suất 15kVA, hoạt động trong 10 giờ/ngày). Khả năng ứng dụng cao, dự án đã nhận được sự hỗ trợ của Toyota trong chương trình Go Green “Sản xuất điện năng quy mô nhỏ bằng biogas”. Sau một năm thực hiện, đến nay đã có hơn 20 trang trại ứng dụng ở một số tỉnh, thành như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Khánh Hòa…
Sinh năm 1980, Thạc sĩ Lê Hùng, cán bộ Khoa Xây dựng thủy lợi, ĐH Bách khoa Đà Nẵng là gương mặt trẻ nhất được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen trong buổi tuyên dương 29 gương mặt Lao động sáng tạo năm 2010. Đề tài “Xây dựng quy trình vận hành điều tiết tối ưu hồ chứa nước thủy điện” của anh đã được đưa vào vận hành thực tế tại công trình Thủy điện A Vương từ đầu năm 2011 nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, những công trình NCKH về TKNL của sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng thời gian qua cũng đáng ghi nhận. Mới đây nhất là công trình NCKH “Thiết kế xe năng lượng SC4” của Ngọc Thiên Bình, Huỳnh Kim Trang và Phạm Nguyên Sơn. Nhóm đã sản xuất ra chiếc xe du lịch 2 chỗ sử dụng NLMT, đạt tốc độ tối đa 40 - 50km/giờ, di chuyển phù hợp trong nội thành và các khu du lịch, độ bền của xe khoảng 20 năm… Nếu hoàn thiện mẫu mã đúng theo yêu cầu, giá xe khoảng 60 triệu đồng. Mặc dù còn một số điểm yếu như thời gian sạc pin lâu, khả năng vận hành liên tục và phạm vi hoạt động hạn chế nhưng đề tài đã được Bộ GD-ĐT trao giải nhất Sinh viên NCKH 2010 và sẽ được nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Để tránh lãng phí
Để thực hiện những công trình NCKH trên, các tác giả đã phải sử dụng nguồn kinh phí hạn hẹp của đề tài, nếu có phát sinh, họ phải tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi nguồn tài trợ để hoàn thiện sản phẩm. PGS.TS Hoàng Dương Hùng cho biết, để chế tạo và đưa hàng trăm bếp NLMT đến với người dân phường Hòa Quý, ông đã phải kêu gọi nhiều tổ chức nước ngoài tài trợ. Đây cũng là điểm hạn chế nếu muốn ứng dụng rộng rãi các mô hình TKNL tại Đà Nẵng.
Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đã phối hợp cùng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng triển khai thực hiện 3 dự án TKNL. Được biết, việc ứng dụng còn nhiều hạn chế khi các thiết bị sử dụng NLMT hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Nguồn kinh phí của thành phố chỉ đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng trong giới hạn thực hiện đề tài trong khi nhiều doanh nghiệp còn dè dặt trong việc phối hợp nên rất khó thực hiện ở quy mô công nghiệp.
Về điều này, ông Trần Quang Thông, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa miền Trung cho rằng, để doanh nghiệp cùng vào cuộc trong việc triển khai ứng dụng rộng rãi sản phẩm TKNL thì buộc sản phẩm đó phải bảo đảm những tính năng về mẫu mã, giá thành, kiểu dáng công nghiệp và công năng sử dụng… Đây là điều mà các nhà sáng chế cần lưu ý để tránh lãng phí nguồn chất xám.
Tiểu Yến