.
Tạp bút

Miền quê ngoại

Làng ngoại tôi là một ốc đảo nằm ở ngã ba sông Thạch Hãn gần Cửa Việt. Thời trước là một vùng đất luôn xảy ra những cuộc giao tranh giữa du kích và quân đội của chế độ Sài Gòn.
 
Đã thế, nằm giữa cửa sông nên luôn cách trở, mỗi ngày chỉ có vài chuyến đò ngang, nhiều khi phải đợi đến cả buổi mới qua sông được, làng ngoại trở nên biệt lập cheo leo giữa miền sông nước. Vì thế anh chị em tôi lớn lên chẳng hề biết quê ngoại là gì. Trong những câu chuyện “đời xưa” của gia đình, bố tôi cho biết ngày trước gia đình ông mệ ngoại cũng vào loại “địa chủ” ruộng đất rất nhiều mà mẹ tôi là con gái duy nhất. Về làm dâu một gia đình đông anh em, ông nội mất sớm khi bà nội còn đang mang thai chú út, bố tôi là anh cả nặng nề với trách nhiệm đầu tàu để nuôi một đàn em ăn học. Khi ông ngoại mất, bà ngoại theo con gái về bên nội tôi, cùng con gái dệt vải qua ngày. Bao nhiêu ruộng vườn bà ngoại và mẹ tôi lần lữa bán hết để dồn hết cho bố tôi lo việc cho cả gia đình. Có lẽ đời mẹ từ ngày theo chồng, bao nhiêu lo lắng, sức lực cả đời đều tập trung chia sẻ cùng chồng, chẳng hề so đo hơn thiệt.

Những câu chuyện ấy tôi chẳng hề hay biết vì mẹ không hề kể, cả những đau đáu nhớ thương dồn nén về quê ngoại suốt cả cuộc đời khép lòng không nói. Chỉ đến khi mất, mấy ông chú ruột ở xa không về được viết thư chia buồn rồi kể lể với lời lẽ thật thống thiết, ai cũng cho rằng khó tìm được một người chị dâu đã sống hết lòng với bên chồng như thế. Trong thư của chú út ở Canada gửi về cho bố và con cháu có đoạn: Chị (mẹ tôi) về nhà ta khi tụi em còn quá nhỏ, cơ cực trăm phần, lương tiền của anh (thời ấy bố đã đi làm ở xa gửi tiền về), chị để chúng em tự quyết định không hề tham dự, tính toán. Chị đã cực cả đời vì nhà ta, ở đất khách, lòng em tự hứa chỉ mong dành dụm có quà về cho chị, thế mà… Có những người sau khi mất, nhiều khi cả những ai gần gũi nhất, kể cả những đứa con ruột thịt mới dần dần khám phá những sâu thẳm, góc tối bên trong của một tấm lòng hồn hậu và sáng trong. Mẹ là một người như thế. Lúc ấy tôi chưa đủ trưởng thành để suy nghĩ cho chín chắn, càng sống tôi càng thấu hiểu hơn tấm lòng của mẹ.

Mẹ chăm sóc con cái cũng lặng lẽ âm thầm thương khó chưa hề than thở cùng ai cả những khúc quanh khó khăn của cuộc sống. Nhớ hồi mới vào Sài Gòn, nhà ở trên tầng 5 chung cư Lý Thường Kiệt, lúc ấy mẹ đã trên 65 tuổi, lưng đã còng rồi, lên xuống cư xá vất vả phải thường xuyên dậy sớm để bán cà-phê ở tầng trệt nhưng chưa hề nghỉ bán lần nào, chỉ với một lý do thằng út là tôi còn học năm cuối đại học ngoài Huế cần có tiền để ăn học. Đôi khi cứ nghĩ đi bên cạnh đời con, mẹ như một bóng mờ nhân ảnh, những ngày sau khi mẹ mất, trong tâm tưởng của con cái bóng mờ ấy cứ dần hiện lên không chỉ là nỗi nhớ thương mà còn là niềm trắc ẩn với một chút ân hận vô tình của con cái.

Ngày trước khi mẹ tôi ngã bệnh, bố tôi lúc đó đã 80 tuổi. Tôi nhớ khoảng năm 82, 83 gì đó, khoảng thời gian gia đình gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Thế mà ông gom góp hết tiền của, lặn lội từ Sài Gòn một mình ra tận làng ngoại ở Cửa Việt xây lăng cho ông mệ. Các anh chị  phần vì bận cuộc sống mưu sinh  nên ơ hờ mọi chuyện, phần vì lo ngại sức khỏe của bố tôi đã già cả, giai đoạn ấy đi lại thật khó khăn nên tìm mọi cách để ngăn cản. Thế nhưng bố tôi vẫn lên đường với một lời nhắn nhủ: Mẹ đã làm cả đời cho bên chồng, thế mà ông mệ ngoại mất không có một nấm mồ cho đàng hoàng, làm sao nhắm mắt mà yên lòng cho được. Mẹ nằm quay mặt vào tường, lén nhìn thấy bà rưng rưng. Tôi thương mẹ và cũng lặng người trước nghĩa cử sâu nặng nghĩa tình của cha. Người già thường sống bằng những nghĩ suy nặng lòng sâu sắc bền bỉ về một ý nguyện tâm linh để đủ sức vượt qua những trở lực trước mắt.

Mới đây có dịp về bên quê nội, lần nào cũng vội vội vàng vàng định ngủ một đêm là đi. Ông anh họ mới bàn: Chú về có vội nhưng bây giờ qua Duy Phiên (làng ngoại) đã có cầu mới xây xong, cầu khang trang lắm… khó khăn mấy chú cũng nên về một chuyến. Thú thật mấy lần trước ngại về quê ngoại vì đò giang cách trở, phần thì ngại bà con chẳng còn ai, thậm chí chẳng ai biết mặt mình. Lần này, định về rồi hỏi đường để ra thắp hương ngoài mộ, rồi đi. Nhưng thật bất ngờ nhiều người bà con - bà con rất xa - nghe tin đã ùn ùn kéo ra nghĩa địa thăm hỏi và níu chân tôi ở lại, hết người này đến người khác mời về nhà bằng một tình cảm ấm áp như đã từng ràng buộc nhau từ lâu lắm.
 
Cuộc sống đô thị nhiều phiêu dạt quen cân đo đong đếm nên khi cận kề với những nỗi lòng dân dã chân thật đến kỳ lạ mới ngộ ra rằng ta đã vô tình đánh mất nhiều thứ tình cảm quý giá trong đời. Trong mấy đêm ở lại hàn huyên, ai cũng nhắc đến mẹ với những tình cảm như lời tri ân. Ngày ấy nhà tôi ở trên tỉnh (thị xã Quảng Trị), bà con ở quê gặp lúc khó khăn lên ở lại, mẹ đều tìm mọi cách giúp đỡ một cách bao dung, nhiệt tình. Tôi ngất ngây bởi những chén rượu quê, ngất ngây và tự hào về mẹ, về những câu chuyện đời của người sau khi mất được kể lại giữa miền quê êm ái từ cửa miệng của những người bà con lần đầu tôi gặp.

Hồ Sĩ Bình
;
.
.
.
.
.