.

Theo chân tình nguyện viên

.
“Là sinh viên còn phụ thuộc vào gia đình, nói đến 2 chữ “từ thiện” nghe hơi to tát vậy, nhưng thực sự mục đích hướng đến của nhóm là giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình” - Nguyễn Thị Thanh Tuyền, cựu nhóm trưởng nhóm Hand in hand chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Các thành viên nhóm Hand in hand trong buổi bán vé phim “Triệu phú khu ổ chuột” tại khuôn viên Trường ĐH Sư phạm để quyên góp từ thiện.
 
Công việc nhỏ

Đến từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, các bạn sinh viên nhóm Hand in hand (Tay trong tay, trực thuộc Hội SV Trường ĐHSP – ĐHĐN) thường tổ chức những chuyến đi đầy ý nghĩa đến với các em nhỏ Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu, Làng trẻ em Hy vọng...

“Buổi tối, các bạn trong nhóm thường đến giúp các em Trường Nguyễn Đình Chiểu học bài, dịch bài học ngày hôm đó sang chữ nổi. Thỉnh thoảng lại tổ chức văn nghệ giao lưu, vui chơi với các em, dành cho các em chút quà nhỏ, có khi, chỉ là ít bánh kẹo hay vài cây bút, vài quyển vở. Có đến những nơi như thế này, chúng em mới thấy mình thật hạnh phúc, đủ đầy” - Bạn Hà Thị Hồng, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm chia sẻ.

Chính vì cảm nhận được ý nghĩa của sự đủ đầy, nên khi đến với các em, nhóm luôn muốn dành nhiều tình cảm để chia sẻ những điều mà mình đã may mắn được thụ hưởng từ cuộc sống, giúp các em có một niềm tin yêu vào cuộc đời.

Nhóm hoạt động tự túc về kinh phí trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Có những lúc, lên kế hoạch làm một chương trình, nhưng lại không được thuận buồm xuôi gió, các thành viên không khỏi chạnh lòng. Nhưng, các bạn lại cùng nhau nghĩ cách để tìm những lối đi, ngoài con đường xin tài trợ.

Niềm vui lớn

Tại Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu, với các tình nguyện viên (TNV) này, vì sự gần gũi về độ tuổi, dễ đồng điệu, chia sẻ, các em học sinh có một sự “thỏa thuận” rất thú vị là học thật giỏi  các anh chị sẽ quay trở lại chơi cùng và học cùng!

“Mỗi khi đứng nhìn các em luyện nói hay tập chơi một trò gì đó với các bạn TNV là chúng tôi cảm nhận một niềm vui vô bờ bến. Các em đã bỏ đi được mặc cảm tật nguyền để hòa với cộng đồng” - Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Theo chân TNV Đình Thông, sinh viên khoa giáo dục đặc biệt ĐHSP đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhìn những ánh mắt của các trẻ bị tàn tật, mới cảm nhận thật rõ, các em đã quen thuộc biết chừng nào với TNV. Quen thuộc với từng cử chỉ, từng động tác giúp trẻ khuyết tật tập luyện để dễ dàng vận động. Mấy tháng nay, sau 4 giờ chiều, Thông lại lên với các em, như một sự thôi thúc, như một niềm vui.

Khả năng tài chính eo hẹp, các TNV đến với các em chủ yếu bằng cái tình rất vô tư, trong sáng và thân thiện, nhưng nặng trĩu lo âu và trăn trở. Họ luôn hỏi mình là phải làm gì để cùng chung tay với xã hội, giúp các em quên đi mặc cảm, được sống vui tươi. “Có khi, giữa trưa nắng, vác chiếc bao đi quyên góp từng chiếc ve chai, giấy vụn, đâu đó, chúng tôi nhận không ít những lời thiếu thiện chí của các bạn đồng trang lứa, nhưng cứ nghĩ đến nụ cười của các em, sự chờ đợi của các em, là nhóm lại có thêm động lực cố gắng” – Thanh Tuyền bộc bạch.

“Thực sự tôi rất cảm động, trong khi nhiều sinh viên còn ham chơi, vô tâm với công tác xã hội nhưng nhìn vào những TNV này mới thấy các bạn rất quan tâm, ân cần với các cháu, coi các cháu như người thân của mình”, ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng có một cái nhìn đầy trân trọng về các TNV Đà Nẵng.

Thu Hà
;
.
.
.
.
.