.

Tiếng nói cử tri

.
Việc các cử tri ngày càng quan tâm hơn đến ứng cử viên trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp lần này, chính là do chất lượng hoạt động của các cơ quan cũng như đại biểu dân cử đã ngày càng được nâng lên rõ rệt, đời sống chính trị ngày càng sôi động hơn.

Mô tả ảnh.
Cử tri Đà Nẵng phát biểu ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội (Khóa XII).
 
Ông Huỳnh Đức Tiền, ở tổ 9, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã nhìn nhận như vậy bên lề Hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa VIII tại địa phương. Ông nói thêm: Tôi đến đây không chỉ để đề đạt ý kiến, mà còn muốn trực tiếp lắng nghe chương trình hành động của các ứng cử viên, từ đó có điều kiện tốt hơn trong việc lựa chọn bỏ phiếu cho ai.

Việc tiếp cận lắng nghe chương trình hành động, tìm hiểu và tham gia mạn đàm tiểu sử, đặc biệt là theo dõi hiệu quả hoạt động của ứng cử viên khi có điều kiện, chính là những yếu tố quan trọng để thể hiện tiếng nói cử tri qua lá phiếu bầu chọn đại biểu của mình. Thông qua việc tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác bầu cử của cơ quan chức năng, cử tri có điều kiện tốt hơn trong thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng và chất lượng. Ông Võ Quảng, tổ 21, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu bày tỏ: Hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử vừa khẩn trương vừa có chiều sâu; việc tổ chức tiếp xúc cử tri rôm rả hơn trước... nên hy vọng chất lượng bầu cử cũng được nâng lên.

Cũng từ việc quan tâm đến bầu cử, nhiều cử tri đã thể hiện tiếng nói của mình đối với các ứng cử viên, nhất là cần phải giữ lời hứa với cử tri khi trở thành đại biểu đại diện cho tiếng nói của đông đảo nhân dân đã tín nhiệm mình. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và vị thế của mỗi ứng cử viên, các cử tri đã nêu ra nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống, những tồn tại chưa giải quyết thỏa đáng của các cơ quan, của đại biểu ở giai đoạn trước và xem đó như “món nợ” mà các ứng cử viên lần này phải trả khi trúng cử. Đó là những vấn đề bức thiết nhất từ vĩ mô đến vi mô như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, giữ vững an ninh-quốc phòng đến những vấn đề hằng ngày ở địa phương như quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư, việc làm, nhà ở, xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị...

Những bức xúc này giai đoạn nào cũng có, nhưng trước việc thể hiện quyền chọn lựa của mình thông qua hoạt động bầu cử, người dân cần nhận được sự lắng nghe, quan tâm nhiều hơn và giải quyết một cách hiệu quả hơn từ phía các ứng cử viên. “Tôi nghĩ rằng, đại biểu sau khi trúng cử thì phải thể hiện được trách nhiệm cũng như quyền lực của mình nhằm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri trước những vấn đề của đất nước cũng như địa phương, chứ không chỉ đơn thuần là những người trung chuyển ý kiến của cử tri”.  Ông Lê Đức Đạt, phường Hòa Cường Nam bày tỏ.

Từ việc nhận thức đúng đắn về tiếng nói của mình, nhất là với việc tỷ lệ số dư trong bầu cử ngày càng cao cũng như chất lượng ứng cử viên đồng đều hơn, các cử tri thận trọng và kỹ càng hơn trong tìm hiểu, chọn lựa người đại diện cho mình. Ông Huỳnh Đức Tiền cho biết, không chỉ tự mình theo dõi ứng cử viên, mà mỗi cử tri đều có thể trở thành người tuyên truyền, vận động bầu cử; trong đó có việc tuyên truyền các chương trình hành động, hiệu quả công tác... của các ứng cử viên để mọi người tìm hiểu và lựa chọn. Điều này còn cho thấy một vấn đề, là mỗi cử tri phải tự mình tìm hiểu, chứ không đơn thuần chỉ là thực hiện quyền lợi của mình theo tin đồn hoặc đi bầu cử theo kiểu “làm cho xong”.

Như vậy, để thực sự thể hiện được tiếng nói của mình trong không khí ngày càng dân chủ hơn, thì trong bầu cử - một hoạt động thể hiện quyền dân chủ trực tiếp, mỗi cử tri đều có cơ hội như nhau trong việc tìm hiểu các ứng cử viên và tự tay mình trực tiếp bỏ lá phiếu trong ngày hội lớn của non sông!

Huyền Phi
;
.
.
.
.
.