.

Tiết giảm điện năng

.
Để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh mà tiết giảm năng lượng là một trong những mục tiêu quan trọng.

Mô tả ảnh.
Tiết kiệm điện để giảm giá thành đã trở thành nhận thức đối với 300 công nhân Công ty May Tiến Thắng.
 
Từ tháng 3-2011, giá điện bình quân tăng 15,28% đã đẩy chi phí năng lượng lên cao và trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có sử dụng điện trong sản xuất. Tuy nhiên, chuyện tăng giá điện đã được dự báo từ trước nên không doanh nghiệp nào bị động.

Tiết kiệm, sử dụng điện năng hiệu quả

Công ty Xi-măng COSEVCO 19, ngay từ đầu năm 2010 đã đăng ký tiết giảm 15% tổng điện năng sử dụng trong năm và thực tế đã tiết giảm được đến hơn 20%. Để đạt kết quả khả quan này, ông Nguyễn Thanh Thùy, Phó Giám đốc công ty cho biết, đơn vị đã thay hầu hết đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện (TKĐ) và thay các động cơ công suất quá lớn gây lãng phí điện năng. Ví như hệ thống vận chuyển nguyên liệu, trước đây sử dụng vít tải với công suất động cơ 11kW, nay thay bằng khí động công suất động cơ chỉ 1,1kW. Thêm vào đó, công ty sử dụng biến tần để tự động điều chỉnh tốc độ động cơ phù hợp với các phụ tải (nếu tải nặng, động cơ sẽ tăng tốc và ngược lại), chấm dứt tình trạng động cơ chạy “vô tư” gây lãng phí điện năng.

Trong năm 2010, công ty đã giảm điện năng tiêu thụ cho mỗi tấn sản phẩm từ 45kWh xuống còn 38,6kWh (giảm 6,6kWh). Năm qua, công ty sản xuất được 136.000 tấn sản phẩm. Với giá điện 1.179 đồng/kWh thì công ty đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng tiền điện. Việc tiết giảm điện năng sẽ tiếp tục cho kết quả khả quan trong năm nay, ông Thùy nhận định, vì điện năng tiêu thụ tháng 3-2011 của công ty là 482.879kWh, giảm gần 22,5% so với cùng kỳ năm trước (623.040 kWh), trong khi đó, sản lượng tại hai thời điểm so sánh này chỉ giảm 5,4% (từ 14.147 tấn xuống 13.377 tấn).

Năm ngoái, Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ trả 28 tỷ đồng tiền điện, chưa tính thuế. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Tổng Giám đốc cho rằng con số này sẽ cao hơn, nếu đơn vị không thực hiện triệt để các giải pháp TKĐ và sử dụng điện hiệu quả. Các giải pháp kỹ thuật đối với thiết bị cùng với sự tự giác của con người ở đơn vị đã liên tục đưa điện năng tiêu thụ cho mỗi kg sản phẩm từ 4kWh (năm 2008) giảm xuống còn 3,3kWh (năm 2009) rồi 2,7kWh (năm 2010). Việc TKĐ mang ý nghĩa sống còn đối với 6.500 lao động của đơn vị với tổng doanh thu năm nay dự kiến là 1.600 tỷ đồng.

Cần tiếng nói chung từ hai phía

Ngày 18-4, đoàn chuyên gia Chương trình Hỗ trợ Phát triển của LHQ (UNDP) đã đến Đà Nẵng kiểm tra và đánh giá cao các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố. Kết quả này là nỗ lực của toàn thành phố, nhất là sau khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 24-2-2011 về việc khẩn trương tăng cường thực hiện nghiêm túc và triệt để việc TKĐ năm 2011 trên địa bàn thành phố.

Các ngành sản xuất như dệt may, da giày, thủy sản... đều khai thác triệt để các giải pháp TKĐ do ngành Khoa học và Công nghệ đề xuất. Tính đến hết tháng 4, mỗi tháng cả thành phố đã TKĐ trên 3 triệu kWh, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch. Do kết quả khả quan này mà Đà Nẵng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên cấp sản lượng điện nhiều hơn.

Để tự cứu mình trong thời buổi khó khăn về điện năng, các doanh nghiệp còn chọn thêm giải pháp tăng ca 3, giảm ca 2 (giờ cao điểm, giá bán điện cao hơn). Ông Thùy cho rằng cách làm này tuy có giảm chút ít về sản lượng, nhưng lại được cái là giảm đáng kể giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, ở một doanh nghiệp mà sản xuất lệ thuộc 100% vào điện như Công ty TNHH May Tiến Thắng (xã Hòa Tiến) thì mọi việc lại không đơn giản như thế. Công ty có 300 công nhân, sản phẩm được xuất hàng tuần đi châu Âu. Bà Nguyễn Thị Nhị, Giám đốc công ty lo lắng, khi giá điện, giá nước đều tăng, doanh nghiệp hoàn toàn bị động khi tính giá thành sản phẩm. Nếu bị cắt điện thì công nhân phải làm chủ nhật hoặc làm vào giờ cao điểm. Chủ nhật phải trả lương 200% cho công nhân, giờ cao điểm thì phải trả thêm tiền điện. Nói chung, đường nào chi phí cũng tăng cao. Các giải pháp TKĐ được công ty triển khai triệt để, trong đó có việc tập cho công nhân ý thức tốt, đang sản xuất mà đi ra ngoài một lát cũng phải tắt các thiết bị dùng điện.

Trước tình hình cung ứng điện được dự báo là tiếp tục khó khăn trong năm nay, các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ với bên bán điện, nhưng cũng không khỏi lo lắng về sự cố mất điện đột xuất - điều mà bà Nhị cho rằng không thể nói rạch ròi trong hợp đồng mua bán điện. Sự cố về điện, bên bán điện khắc phục cũng khó mà bên mua điện thì luôn mong muốn nó đừng xảy ra. Tuy sự cố đã được khắc phục dần, năm sau ít xảy ra hơn so năm trước, nhưng vẫn còn gây không ít thiệt hại đối với ngành sản xuất như ngành may, khi hầu hết hệ thống máy móc, thiết bị đều được hoàn toàn tự động hóa để đáp ứng đòi hỏi về chất lượng sản phẩm của bên đặt hàng.

Điện lực Cẩm Lệ hiện có gần 42.300 khách hàng mua điện, hằng năm tăng bình quân 2.500 khách hàng do quy hoạch tổng thể thành phố, mở rộng các khu du lịch, khu đô thị mới phía Tây Nam Đà Nẵng. Vừa qua, tại hội nghị khách hàng năm 2011, ông Trương Hùng, Giám đốc Điện lực Cẩm Lệ, nhìn nhận “chất lượng điện áp có lúc, có nơi chưa bảo đảm; hệ thống lưới điện hạ thế đi vào các kiệt hẻm vẫn chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn…”. Do nhu cầu tốc độ tăng trưởng phụ tải toàn thành phố năm nay dự báo 15-16%, nhất là trong các tháng mùa khô, nên việc bảo đảm cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng càng khó khăn hơn. “Trước tình hình khó khăn chung về thiếu hụt điện năng, việc tăng cường công tác TKĐ là biện pháp thiết thực nhằm góp phần bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống người dân” - ông Hùng nói.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.