.

Aelita Andre, họa sĩ trẻ nhất thế giới

.

Thật đáng ngạc nhiên khi một đứa bé có thể làm việc với những tấm bố tranh, keo hồ, những quả cầu trang trí… tất cả các thứ ấy đều ngập tràn màu sắc và liệu cô bé có thể gặp những rắc rối gì không khi cô tạo nên một khối lượng hỗn độn, bừa bãi đó. Điều thắc mắc là cô bé chỉ chơi đùa với màu vẽ thôi hay thực sự đang sáng tạo nghệ thuật một cách có ý thức, đầy cân nhắc thận trọng?

 

Mô tả ảnh.
Vẽ tranh.

 

Người ta đã tỏ ra băn khoăn như thế khi đến xem tranh và xem Aelita Andre làm việc chỉ vì người “họa sĩ trừu tượng” này chỉ vừa tròn 4 tuổi và đang được  giới thiệu tác phẩm tại phòng trưng bày tranh nổi tiếng Agora - trong khu vực chuyên trưng bày tác phẩm nghệ thuật Chelsea, nơi được mệnh danh là trái tim của New York.

Bố của Aelita Andre làm công việc nghệ thuật, mẹ là họa sĩ chuyên nghiệp. Họ tin rằng cô con gái bé bỏng này là họa sĩ thực thụ bởi vì cô bé bắt đầu vẽ tranh từ khi 2 tuổi và trước đó, lúc tuổi biết đi chập chững, cô bé đã vừa đi vừa bò quanh các bức tranh của mẹ và luôn miệng “kist, kist!” (tiếng Nga có nghĩa là “cây cọ vẽ”). Sau đó, cô bé Aelita được nhiều người biết đến qua những lần xuất hiện trên các chương trình “đinh” của truyền hình và cùng lúc được in chân dung trên trang nhất hai tờ báo lớn của Úc “Sydney Morning Herald” và“The Age”. Tranh của Aelita Andre  đã có mặt ở các cuộc triển lãm chung ở Úc và Hong Kong.

 

Mô tả ảnh.
Núp sau tranh.

 

Lần này, phòng trưng bày tranh Agora giới thiệu về Aelita Andre với tuổi lên 4, là họa sĩ chuyên nghiệp trẻ nhất trên thế giới. Cô bé sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu hội họa hiện đại như acrylic, dùng những hình thể trừu tượng, nét vẽ khi thì xoay lốc khi thì tràn màu như mưa lên các khoảng trống trên các tấm tranh khổ rộng. Bố cục khá chặt chẽ, hiệu ứng cao với nhiều vật thể được cô bé đưa vào tranh như những lông chim, cành cây hay các đồ chơi của trẻ nhỏ. Điều gì đã tạo nên sự thuyết phục trong tranh của Aelita Andre – đó là ánh sáng tràn khắp tác phẩm cùng sự hồn nhiên trẻ thơ. Màu sắc trong suốt, hình nét không trói buộc, tạo một kết quả thanh thoát và sự độc đáo qua từng mỗi một bức tranh. Những tranh này vừa mang tính trầm tư và tiềm tàng thể lực, chúng mở ra những cánh cửa sổ đến với sự giải phóng tiềm thức sáng tạo của một đứa trẻ.

Vô tình, phòng tranh trừu tượng của họa sĩ “nhí” Aelita Andre gây nên sự bàn cãi, tranh luận gay gắt trong giới nghệ thuật. Cuộc tranh luận không biết bao giờ mới kết thúc. Trong khi đó, tác giả “họa sĩ trẻ nhất thế giới” vẫn hồn nhiên vẽ tiếp. Lần triển lãm này cô bé đã bán một số bức với số tiền trọn gói: 27.000 USD.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.