.

Chất lượng giáo dục đại học tại Hoa Kỳ

.
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới trên nhiều phương diện, trong đó có giáo dục đại học. Chỉ tính riêng sự cống hiến vào khối kiến thức của nền văn minh nhân loại thông qua giải thưởng Nobel từ khi thành lập năm 1901 đến năm 2010, Hoa Kỳ đã có 326 cá nhân đoạt giải trong tổng số 813 giải.

Mô tả ảnh.
Ðại học University of California, Los Angeles. (Ảnh Internet)
Các đại học của Hoa Kỳ thường đứng ở những vị trí hàng đầu thế giới. Trong bảng xếp hạng năm 2010 của tạp chí nổi tiếng về giáo dục đại học của Vương quốc Anh là Times Higher Education, Hoa Kỳ có 7 trong 10 đại học chất lượng nhất thế giới (3 đại học khác trong top 10 là của Anh, nằm ở vị trí thứ 6, 7 và 9).

Theo tài liệu do giáo sư Trần Đình Tuấn ở Trường Công tác Xã hội, Đại học San José State, California, Hoa Kỳ cung cấp, có một nghịch lý là giáo dục đại học Hoa Kỳ tuy dẫn đầu thế giới về chất lượng, nhưng trong giáo dục đại học vẫn có những định chế “tồi tệ” gọi là “xưởng bằng cấp”. Tại Hoa Kỳ, kinh doanh đại học cũng là một nghề phổ biến. Những đại học trong hệ thống “xưởng bằng cấp” cung cấp đủ loại bằng cấp từ Cử nhân đến Thạc sĩ, Tiến sĩ. Sinh viên ở các trường này không học hỏi được bao nhiêu, đôi khi không phải đến trường, chỉ cần đóng đủ học phí là có bằng.

Vậy, Chính phủ Hoa Kỳ đã kiểm soát tình trạng đó trong giáo dục đại học như thế nào? Tại sao thực trạng nền giáo dục đại học phức tạp như thế nhưng rất nhiều đại học ở Hoa Kỳ vẫn đạt chất lượng hàng đầu thế giới?

Để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, vấn đề chứng nhận chất lượng giáo dục đại học (CNCLGDĐH) đã ra đời tại Hoa Kỳ cách đây chừng 100 năm. Hiện nay, CNCLGDĐH ở Hoa Kỳ được thiết lập bởi 3 cấp: Tự thân mỗi đại học, quy định chung của Liên bang, và quan trọng nhất là các cơ quan CNCLGDĐH cấp Vùng và cấp Liên bang.

Ở cấp Vùng, hiện có 6 cơ quan CNCLGDĐH là những tổ chức tư nhân, hoạt động biệt lập dưới sự điều hành của một ban giám đốc gồm những người được các đại học trong vùng bầu ra trong số các lãnh đạo đại học. Mỗi cơ quan đề ra một bộ tiêu chuẩn riêng để duyệt xét chất lượng.

Ở cấp Liên bang, có Bộ Giáo dục và Hội đồng Chứng nhận Giáo dục Đại học. Bộ Giáo dục không chứng nhận chất lượng cho từng đại học, mà chỉ chứng nhận những tổ chức tư nhân trực tiếp cung cấp dịch vụ CNCLGDĐH. Do đó, CNCLGDĐH của những tổ chức được Bộ Giáo dục thừa nhận có giá trị cao. Đây là điều hết sức quan trọng, vì hệ thống “Xưởng bằng cấp” cũng lập ra những cơ quan CNCLGDĐH của riêng mình với giá trị thấp kém.

Hội đồng CNCLGDĐH cấp Liên bang là một hiệp hội tư, được thành lập vào năm 1996, bao gồm 3.000 đại học thành viên. Đứng đầu  là một ban giám đốc gồm 20 người là những chủ tịch đại học và những công dân có uy tín trong cộng đồng, có nhiệm vụ tham vấn cho Quốc hội, Bộ Giáo dục, cộng đồng xã hội và cộng đồng quốc tế về chất lượng giáo dục đại học Hoa Kỳ. Hội đồng CNCLGDĐH sử dụng bộ tiêu chuẩn bao gồm chất lượng về học thuật, tinh thần trách nhiệm, kế hoạch thay đổi và cải tiến, thủ tục công bằng và chống lạm dụng quyền lực, có cơ chế tự kiểm để không ngừng duyệt xét lại các tiêu chuẩn cũng như thủ tục chứng nhận chất lượng, có tài chính và cơ sở vật chất-nhân lực đầy đủ và ổn định.

Một đại học bất kỳ muốn có CNCLGDĐH có giá trị cao, thì nộp đơn cho tổ chức CNCLGDĐH đã được Bộ Giáo dục hoặc Hội đồng CNCLGDĐH Liên bang chứng nhận, hay nộp cho cơ quan CNCLGDĐH cấp Vùng, hoặc cả hai. Sau khi nộp đơn, tổ chức CNCLGDĐH sẽ gửi cho đại học đó bộ tiêu chuẩn để tự xem lại, bổ sung cơ cấu tổ chức, nhân sự, giáo trình, phương pháp giảng dạy, môi trường học tập… và chuẩn bị một phúc trình. Thời gian thực hiện công đoạn này trung bình kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Khi nhận được phúc trình, tổ chức CNCLGDĐH sẽ nghiên cứu và cử đoàn kiểm tra đến xem xét kỹ lưỡng tại chỗ tất cả các tiêu chuẩn. Nếu thỏa mãn, tên đại học đó được đưa vào danh sách chứng nhận của tổ chức CNCLGDĐH trong một thời gian, trung bình từ 4 đến 8 năm. Tổ chức CNCLGDĐH sẽ theo dõi đại học đó trong suốt thời gian chứng nhận để bảo đảm duy trì những tiêu chuẩn đã chứng nhận. Đến cuối kỳ, sẽ tổ chức tiến hành đánh giá lại để quyết định đại học đó có được tiếp tục nằm trong danh sách được chứng nhận hay không.

Lợi ích của các đại học được chứng nhận chất lượng từ những tổ chức cấp Liên bang và cấp Vùng là được cộng đồng thừa nhận và chọn lựa cho giáo dục của họ; được Bộ Giáo dục thừa nhận và tài trợ; được các quỹ tư nhân đầu tư và tài trợ; sinh viên trong cùng hệ thống chứng nhận có thể chuyển tín chỉ từ trường này sang trường khác, được nộp đơn theo học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ sau khi tốt nghiệp bậc Cử nhân; được các cơ quan, công ty nhà nước hay tư nhân tuyển chọn qua cơ chế sàng lọc sau khi tốt nghiệp.

Với hệ thống chứng nhận đa dạng song rất bài bản nói trên, chất lượng giáo dục đại học tại Hoa Kỳ luôn tỏ rõ ưu thế vượt trội so với thế giới, bất chấp những “xưởng bằng cấp” vẫn tồn tại đầy dẫy bởi chúng rất khó có cơ hội len lỏi vào cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tư nhân.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
;
.
.
.
.
.