.
Cửa sổ tri thức

Các vùng biển theo luật quốc tế

.
* Theo Luật Biển quốc tế thì các vùng biển của một quốc gia tính từ đất liền trở ra được quy định như thế nào và chủ quyền của quốc gia đó trên các vùng biển này ra sao? (Nguyễn Quang, Hội An, Quảng Nam).

Mô tả ảnh.
- Theo Luật Biển quốc tế, từ đất liền (của một quốc gia) trở ra có các vùng: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển quốc tế (ảnh).

Vùng nội thủy của một quốc gia có chủ quyền, theo Wikipedia, là toàn bộ vùng nước và đường thủy trong phần đất liền, và được tính từ đường cơ sở mà quốc gia đó xác định vùng lãnh hải của mình trở vào. Nó bao gồm toàn bộ các dạng sông, suối và kênh dẫn nước, đôi khi bao gồm cả vùng nước trong phạm vi các vũng hay vịnh nhỏ. Theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, tàu thuyền nước ngoài muốn đi vào vùng nội thủy phải xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền và chỉ được đi lại theo đúng hành trình đã được cấp phép.

Lãnh hải hay hải phận là vùng biển ven bờ nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (tức vùng đặc quyền kinh tế). Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định thống nhất rằng các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý (khoảng 22,2km) tính từ đường cơ sở. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải được tính là đường biên giới quốc gia.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm liền kề vùng lãnh hải. Khoản 2 Điều 33 Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: “Vùng tiếp giáp lãnh hải không được mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở mà từ đó bề rộng của lãnh hải được đo đạc”.

Vùng đặc quyền kinh tế (tiếng Anh: Exclusive Economic Zone - EEZ; tiếng Pháp: Zone Economique Exclusive - ZEE) là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Nó được đặt dưới chế độ pháp lý riêng được quy định trong phần V - Vùng đặc quyền kinh tế của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, trong đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (hay quốc gia quần đảo), các quyền cũng như các quyền tự do của các quốc gia khác đều được điều chỉnh bởi các quy định thích hợp của Công ước này. Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370,4km) tính từ đường cơ sở, ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Trong khu vực đặc quyền kinh tế, quốc gia có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Nó là một trong các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền.

Thềm lục địa của một quốc gia ven biển, theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền thuộc quốc gia đó cho đến bờ ngoài của dốc lục địa hoặc cách đường cơ sở dùng để tính lãnh hải một khoảng cách là 200 hải lý (370,4km), khi bờ ngoài của dốc lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý.

Các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa và các tài nguyên khai thác được từ đó. Ngoài ra, các quốc gia này cũng có quyền tài phán đối với các lĩnh vực sau: Các đảo nhân tạo, các thiết bị; công trình trên thềm lục địa, các nghiên cứu khoa học hay bảo vệ môi trường. Các quyền chủ quyền và tài phán này không liên quan và không ảnh hưởng đến các quyền đối với vùng nước và vùng trời phía trên nó.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.