.

Giải khát trên từng cây số

.
Cái nắng nóng của mùa hè khiến nhu cầu giải khát của mọi người tăng lên, các quán bán đồ giải khát như nước mía, nước hoa quả, kem... cũng tràn ngập trên các đường phố.

Mô tả ảnh.
Các quán nước giải khát vỉa hè tận dụng các kiệt lớn bày bàn ghế đón khách, lấn chiếm cả lối đi khu dân cư.
 
Phố nước dừa

Những loại nước giải khát như nước mía, nước dừa hiếm được “đặt chân” vào những quán nước sang trọng, nên chỉ có thể dừng lại ở quán nước bên đường.

Khác với các quán nước di động bán bằng xe rong ruổi trên các con đường như ở Hà Nội hay Sài Gòn, ở thành phố biển này muốn uống nước giải khát bình dân chỉ có thể dừng xe, tấp vào những quán vỉa hè, ngồi ghế mà đàng hoàng gọi nước. Trên con đường Bạch Đằng với vỉa hè rợp bóng cây xanh, nhìn ra sông Hàn lộng gió, các quán nước dừa hầu như “chủ xị”. Gọi là quán nhưng thực ra là người bán tận dụng các đoạn vỉa hè, đặt vài ba chiếc bàn, ghế, vài buồng dừa và đồ nghề pha là có thể phục vụ cả trăm  khách mỗi ngày.
Trước đây chỉ vài ba quán, tập trung ở đoạn gần chợ Hàn, trước khách sạn Bamboo Green và Nhà Văn hóa Thanh niên. Hai năm nay cả đoạn vỉa hè đối diện cảng Đà Nẵng mọc thêm vài điểm nước dừa và đoạn gần bờ sông dưới chân cầu Thuận Phước đã và đang là đích ngắm của những người muốn kinh doanh loại nước này.

Chị chủ quán nước dừa ở góc ngã ba Bạch Đằng-Quang Trung tiết lộ, dừa ở đây được nhập về từ Nha Trang, Bình Định, mỗi ngày quán bán vài trăm quả là chuyện thường, nhất là những hôm trời nóng gay gắt. Không đủ bàn, khách chịu khó kéo ghế, ghép bàn ngồi chung với nhau. Mỗi ly nước dừa vài năm trước giá 5.000 đồng, rồi mọi thứ đều tăng giá, nay giá gấp đôi, khách vẫn đông.

Nước giải khát liệu có an toàn?

Những người không có thời gian nhâm nhi ly nước, có thể mua dừa tươi nguyên trái đã được gọt vỏ, ướp lạnh về nhà,  mỗi trái 20 nghìn đồng bán trên các tuyến đường Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu… Mỗi xe đẩy bán dừa tươi mỗi ngày bán được 40-50 trái. Dù biết là gây cản trở giao thông, nhưng người bán và người mua vẫn hối hả bán - mua. Chị Minh Nguyệt, ở đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà cho biết: “Mua cả quả thế này về lấy nước uống bảo đảm vệ sinh, chứ uống ngoài đường ly nước không được rửa sạch, sợ mắc bệnh lắm”.

Với nước mía, đa số các xe nước mía bán ở vỉa hè, sát lề đường nên ruồi bu và bụi bám là điều khó tránh khỏi. Và do bán ở vỉa hè nên mỗi xe nước mía chỉ có 2 xô nước để rửa đi rửa lại nhiều lần những chiếc ly của khách. Đó là chưa kể đến nguy cơ cao về vấn đề an toàn vệ sinh từ nước đá, có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm nếu nó sản xuất từ nước bị nhiễm khuẩn.

Mùa hè, có thể kể thêm các loại nước giải khát như sinh tố, kem, trà sữa, nước đậu nành, đậu xanh... Nhiều loại nước giải khát rất tốt cho sức khỏe, nhưng bên cạnh những quán nước bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) thì vẫn còn nhiều quán vẫn chưa bảo đảm nên nguy cơ gây ngộ độc và dịch bệnh lây truyền cho người tiêu dùng.

Cũng chưa thể thống kê được có bao nhiêu quán nước giải khát mở ra trong mùa hè, chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm từ nước uống, nhưng để an toàn, người tiêu dùng nên chọn các quán thoáng mát, có khu vệ sinh riêng bởi người bán có thể rửa ly sạch hơn, ít bụi bặm hơn. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn VSTP Đà Nẵng cho biết, các quán nước giải khát không nằm trong diện có nguy cơ cao phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn VSTP (trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao). Xe nước mía cũng là một dạng bán hàng rong (dù được bán cố định), theo phân cấp quản lý của ngành y tế thì nó thuộc sự quản lý của cấp xã, phường, không đăng ký kinh doanh, bán theo mùa nên khó nắm được danh sách hiện toàn thành phố có bao nhiêu xe nước mía hay các điểm bán nước giải khát khác…

Hiền Lương
;
.
.
.
.
.